Bộ Công an đang xác định “dấu hiệu sai phạm” của Asanzo là hành chính hay hình sự, nếu có đủ căn cứ xác định là vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố điều tra.
Chiều 24/12, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế, kết quả công tác công an năm 2019.
Theo thông tin từ Bộ Công an, năm 2019, cả nước giảm 7,39% số vụ tội phạm về trật tự xã hội. Lực lượng Công an đã phát hiện xử lý 14.356 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 298 vụ tội phạm về tham nhũng, chức vụ, 1.700 vụ buôn lậu, 25.300 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.
Thông tin tại cuộc họp báo về những sai phạm của Asanzo, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định “có dấu hiệu sai phạm”.
Bộ Công an đang xác định “dấu hiệu sai phạm” của Asanzo là hành chính hay hình sự, nếu có đủ căn cứ xác định là vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết.
Trước đó, điều tra ban đầu của cơ quan thuế xác định Asanzo trốn hơn 4 tỉ đồng tiền thuế. Trung tướng Lương Tam Quang – thứ trưởng Bộ Công an – cho biết Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định “có dấu hiệu sai phạm”.
“Nhưng để xác định là sai phạm hành chính hay sai phạm hình sự, cần xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào”, tướng Quang nhấn mạnh.
Ngày 28/10/2019, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, về những vi phạm của Asanzo có nội dung, doanh nghiệp có nhiều vi phạm, trong đó nổi bật:
Thứ nhất: lừa dối người tiêu dùng. Theo đó, quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như Công ty CP Tập đoàn Asanzo quảng cáo. Đơn cử như lắp ráp tivi, DN này chỉ có 12 dãy bàn trên diện tích 45m2. Công ty này có 1 phòng kiểm tra bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn vừa lắp tivi và vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Sản phẩm lắp xong thì đóng vào bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, mã số mã vạch, xuất xứ VN sau đó xuất bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.
Về quy trình lắp điều hòa, trước tháng 5/2018 (sau thời điểm này Asanzo không trực tiếp lắp ráp điều hòa) quy trình lắp chỉ 30 phút/chiếc. Các sản phẩm khác như ấm siêu tốc cũng có quy trình tương tự như quy trình lắp tivi và điều hòa nhiệt độ, các hoạt động chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh như dán tem, đóng hộp…
Đối chiếu với video quảng cáo trên một số phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất của Asanzo cho thấy hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo. Nên nói có công nghệ Nhật Bản là không đúng thực tế. Với việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Bộ KH-CN cho hay không nhận được và cũng không xử lý hồ sơ về việc chuyển giao công nghệ của Asanzo.
Thứ hai: vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Với hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan xác định Asanzo đã xuất khẩu 661 tivi các loại và bộ phận đi kèm. Công đoạn hình thành nên sản phẩm của Asanzo không cần công nghệ kỹ thuật cao mà chỉ là lắp ráp thủ công, giá trị gia tăng không cao, tỉ lệ nguyên vật liệu chính chiếm tới 98-99% giá trị.
Như vậy tivi xuất khẩu chỉ lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ VN và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu. Còn đối với hàng trong nước, Asanzo không sản xuất mà nhập linh kiện mua từ các công ty trong nước để lắp thành sản phẩm. Linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc và nước khác, sau đó ghi xuất xứ VN.
Thứ ba: trốn thuế. Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo đến Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) – Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cục Thuế TP.HCM cũng ra quyết định truy thu, phạt, tính tiền chậm nộp với Asanzo với tổng số tiền hơn 47,6 tỉ đồng.