Bộ Văn hóa nói gì về việc Xuân Trường trốn thuế?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, tất cả các điểm danh thắng đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và thu- chi rõ ràng.

Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được ghi danh vào danh mục Di sản thế giới thì tổ chức hoạt động có doanh thu “bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ; quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật”.

Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trả lời báo chí xung quanh việc Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phủ nhận kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng Xuân Trường nợ 25,7 tỷ tiền thuế thuê đất từ 2007 đến hết 2018 .

Theo đó, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 23/6/2014, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Việc đóng thuế sử dụng đất và các hợp đồng có liên quan trước đó thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Khi Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được ghi danh vào danh mục Di sản thế giới thì tổ chức hoạt động có doanh thu “bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ; quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật”.

Các khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản, theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới.

Trước đó, trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều năm qua doanh nghiệp Xuân Trường liên tục không nộp báo cáo tài chính, nợ đọng thuế thuê đất hơn 25 tỷ đồng.

Xuân Trường được UBND tỉnh ký 4 hợp đồng cho thuê đất trả tiền hàng năm với tổng diện tích 2.912.354,6m2 để thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An, thời gian cho thuê là 70 năm, đơn giá thuê theo các quyết định của Sở Tài chính.

“Mặc dù, Chi cục thuế huyện Hoa Lư đã nhiều lần làm việc, đôn đốc và yêu cầu Doanh nghiệp nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, từ thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất (năm 2007 đến nay), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chưa nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.

Sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát đi văn bản do ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường ký, phản hồi vụ việc trên.

Theo đó, ông Trường khẳng định, Công ty Xây dựng Xuân Trường là doanh nghiệp nộp thuế VAT số 1 tại tỉnh Ninh Bình, mỗi năm từ 200 đến 300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong văn bản này, Xuân Trường khẳng định, doanh nghiệp năm nào cũng được tỉnh tặng bằng khen. Đồng thời đề nghị làm rõ năm nào không nộp báo cáo tài chính và khẳng định, năm nào cũng nộp theo đúng quy định của nhà nước.

Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường trong văn bản này khi đề cập đến việc thuê đất làm dự án Tràng An cho rằng, các hợp đồng thuê đất đến nay đều không có giá trị bởi danh thắng này là của nhân loại.

“Năm 2008, chúng tôi thuê đất làm dự án Tràng An. Đến năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á là niềm tự hào của Việt Nam. Do đó tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, tất cả đều thuộc về di sản của nhân loại chứ không thuộc về cá nhân nào cả (nghiêm cấm việc cho thuê đất trong vùng lõi làm biến đổi di sản)”, ông Trường khẳng định.

Đồng thời cho biết, nếu tham tiền mà cố tình nộp tiền thuê đất thì doanh nghiệp đã có lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng.

Theo Gia Hưng/ taichinhdoanhnghiep.net.vn

 

Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-van-hoa-noi-gi-ve-viec-xuan-truong-tron-thue-d11741.html

Trả lời