Hải Phòng: Thu hồi “đất vàng” giá 0 đồng khiến người dân phẫn uất

Hàng nghìn m2 “đất vàng” của người dân tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng (Hải Phòng) đã sử dụng ổn định từ năm 1987 bị thu hồi và áp giá 0 đồng để thực hiện dự án Chợ đầu mối rau, quả khiến hàng chục hộ dân bức xúc, khiếu nại khắp nơi.

Điển hình là trường hợp của gia đình ông Đồng Duy Nhiên (tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) bị thu hồi 342 m2 đất. Thửa đất này ông Nhiên đã mua lại của ông Bùi Hữu Thứ (tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) vào năm 1987. Tuy nhiên, khi triển khai kiểm kê, Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng đã lập phương án bồi thường đều áp giá 0 đồng và không tổ chức tái định cư, khiến gia đình ông Nhiên phẫn uất vô cùng.

Hàng nghìn m2 “đất vàng” của người dân Tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu, Quận Hồng Bàng, TP. Hải phòng bị thu hồi phục vụ Dự án Chợ đầu mối rau, quả phường Sở Dầu với giá 0 đồng khiến người dân vô cùng bức xúc

Lật từng trang hồ sơ, tài liệu đã úa vàng, ông Nhiên cho chúng tôi thấy giấy tờ mua bán đất từ những năm 1987 và nói: “Giấy tờ mua bán vẫn còn nguyên đây, ranh giới xác định thửa đất trước khi bị cưỡng chế, san ủi vẫn y nguyên. Hằng năm chúng tôi vẫn nộp thuế đất phi nông nghiệp cho Chi cục thuế. Thế mà chính quyền địa phương có thể “hô biến” thửa đất này thành đất ao do UBND phường quản lý để áp giá bồi thường 0 đồng? Thậm chí, họ cũng không bố trí chỗ tái định cư trong khi gia đình tôi đông con và đã tách thành 3 khẩu riêng. Việc này đã tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình chúng tôi”, ông Nhiên nói.

Ông Nhiên cũng cho biết thêm rằng: Căn cứ vào bảng giá đất hằng năm do UBND TP. Hải Phòng công bố. Vị trí đất của gia đình ông có giá đền bù, hỗ trợ hơn 7,7 triệu đồng/m2. “Việc áp giá 0 đồng hàng nghìn m2 đất giữa một thành phố lớn rồi đưa doanh nghiệp vào hỗ trợ 100 nghìn đồng/ m2 để xoa dịu người dân là không thể chấp nhận. Đây là đất có nguồn gốc hợp pháp chứ không phải đất hoang mà chính quyền địa phương có thể thu hồi, áp giá một cách bừa bãi như vậy”, ông Nhiên nói.

Đất thổ cư hóa đất công

Lý do UBND Q. Hồng Bàng quyết định áp giá 0 đồng cho hàng nghìn m2 “đất vàng” của hàng chục hộ dân sinh sống tại tổ Kiến Thiết 3 được lý giải trong các thông báo, phương án đền bù là: đất lấn chiếm, thuộc sự quản lý của UBND phường Sở Dầu. Đồng thời, qua xác minh thực tế các hộ dân bị thu hồi đất đều không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Vì vậy, UBND Q. Hồng Bàng cho rằng các hộ dân đều không đủ điều kiện bồi thường về đất, vật kiến trúc, không được tính chi phí còn lại đầu tư vào đất khi nhà nước thu hồi.

Trái với nhận đinh của chính quyền địa phương, các hộ dân bị thu hồi đất đều sử dụng đất ổn định từ trước năm 1993. Hiện trạng đất bị thu hồi đều có các công trình xây dựng nhà ở, chuồng trại. Diện tích đất khi thu hồi không còn là đất nông nghiệp, bởi các hộ dân đã cải tạo, sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp từ lâu.

Như trường hợp của gia đình ông Đồng Duy Nhiên (tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu) đã mua và sử dụng đất ổn định từ năm 1987. Vì vậy, gia đình ông Nhiên hoàn toàn đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – (GCN QSDĐ). Thế nhưng, khi bị thu hồi, gia đình ông vẫn bị áp giá 0 đồng.

Trung Tâm phát triển quỹ đất Quận Hồng Bàng lập phương án bồi thường thu hồi 342 m2 đất của gia đình ông Đồng Duy Nhiên nhưng chỉ tính 142 m2 và áp giá 0 đồng/ m2

Ông Nhiên cho biết, lý do áp giá 0 đồng được Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng đưa ra là: “Theo hồ sơ địa chính năm 1995 là đất ao, đúng tên chủ sử dụng đất là UBND phường Sở Dầu. Qua xác minh, hộ ông Thứ tự san lấp sử dụng vào mục đích cây trồng từ năm 1985, đến năm 1987 thì chuyển nhượng cho gia đình ông Nhiên…”.

Thế nhưng, ông Bùi Hữu Thứ (tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu) là người bán đất cho ông Nhiên cho biết: “Năm 1985 gia đình tôi sở hữu hàng nghìn m2 có nguồn gốc là do bố mẹ tôi khai hoang từ trước năm 1959. Qúa trình sinh sống, do kinh tế khó khăn, tôi đã chuyển nhượng một phần đất cho các hộ dân khác, trong đó chuyển nhượng cho ông Đồng Duy Nhiên một phần đất có nhà ở vào năm 1987, và gia đình ông Nhiên đã sử dụng đất ổn định từ đó cho đến nay”.

Thửa đất bị thu hồi của gia đình ông Nhiên có nguồn gốc từ giao dịch mua bán đất từ năm 1987 và đã sử dụng ổn định, đóng các loại thuế phí đất phi nông nghiệp từ đó cho đến nay

Nhận định về việc này, Luật sư Lê Đình Chinh (Văn phòng Luật sư 24h – Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Có một điều đáng lưu ý trong sự việc này là, nếu như đất của gia đình ông Nhiên có nguồn gốc là đất lấn chiếm nhưng ông Nhiên cũng đã sử dụng ổn định từ trước năm 1993, thì vẫn đủ điều kiện cấp GCN QSDĐ theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP: “Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng đã có nhà ở và sử dụng đất ổn định trước 15/10/1993”.

Vì vậy, việc Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng lập phương án đền bù, GPMB cho Dự án Chợ đầu mối rau, quả phường Sở Dầu lại áp giá đền bù 0 đồng đối với 342 m2 của gia đình ông Nhiên là bất hợp lý.

Mập mờ phương án đền bù

Ngày 20/10/2017 Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng đã lập ra 3 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB thực hiện dự án chợ đầu mối rau, quả cho ông Nhiên và 2 người con của ông. Cả 3 phương án bồi thường đều áp giá 0 đồng cho tổng diện tích thu hồi 342 m2 của gia đình ông Nhiên.

Tuy nhiên, trước đó, năm 2006, Phòng Tài nguyên Môi trường Q. Hồng Bàng đã lập phương án đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện Khu công nghiệp vừa và nhỏ tại phường Sở Dầu. Gia đình ông Nhiên thuộc diện thu hồi đất. Tại bảng biểu phương án đền bù đã xác định rõ ràng 342 m2 đất của gia đình ông Nhiên là đất ở được sử dụng từ trước năm 1980.

Như vậy, việc Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng lập phương án đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án Chợ đầu mối rau quả năm 2017 lại mâu thuẫn với chính quyết định trước đó (2006) của Phòng TNMT Q. Hồng Bàng.

Đáng lưu ý, khi lập phương án đền bù, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng đã thống kê diện tích đất sử dụng của gia đình ông Nhiên là 142 m2, trong khi diện tích thực tế là 342 m2. Thế nhưng, UBND Quận Hồng Bàng vẫn ra Quyết định số 1919/QĐ-UNBD ngày 24/10/2017 quyết định thu hồi 142 m2 đất của gia đình ông Nhiên. Như vậy, quyết định này đã xác định sai diện tích thu hồi, vi phạm quy định của pháp luật.

Thêm nữa, thửa đất bị thu hồi chỉ có mình ông Nhiên là chủ sở hữu? Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng lại lập 3 phương án đền bù, hỗ trợ (1 cái cho ông Nhiên và 2 cái cho con ông Nhiên). Việc này là trái các quy định của pháp luật.

Như vậy, phải chăng quy trình lập phương án đền bù, hỗ trợ phục vụ dự án chợ đầu mối đang có vấn đề?

Quyết định số 1919/QĐ-UNBD ngày 24/10/2017 của UBND Q. Hồng Bàng quyết định thu hồi 142 m2 đất của gia đình ông Nhiên, tuy nhiên thực tế diện tích thu hồi là 342 m2 đất.

Thực tế, hiện nay không chỉ có gia đình ông Nhiên, tại tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu hiện có tới 16 hộ gia đình bị thu hồi đất với giá 0 đồng đang tiến hành khiếu nại. Cụ thể, như trường hợp của bà Hoàng Thị Oanh có thửa đất hơn 800 m2 nhưng khi đo đạc, đền bù chỉ 346 m2 với mức giá 0 đồng; gia đình ông Nguyễn Phú Thịnh bị thu hồi 222 m2 nhưng chỉ tính 112 m2 với giá 100 nghìn đồng/ m2; Bà Nguyễn Thị Nga bị thu hồi 388 m2 nhưng chỉ tính 348 m2 với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2; ông Đinh Tuấn Anh bị thu hồi 250 m2 chỉ tính 147 m2 với giá hỗ trợ 100 nghìn đồng/ m2 …vv…

Tất cả các hộ dân này đều bị thu hồi diện tích đất lớn hơn diện tích được thống kê, đặc biệt đều bị áp giá 0 đồng/m2 và được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ m2 công san lấp mặt bằng từ phía doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên, bà Hoàng Thị Oanh (tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) cho biết: “800 m2 đất của gia đình tôi được khai hoang từ năm 1972 và sử dụng ổn định cho đến nay mà UBND phường Sở Dầu thống kê chỉ có 346m2. Hằng năm, gia đình tôi cũng đóng thuế đất phi nông nghiệp đủ 800 m2, vậy mà khi thu hồi làm dự án chợ đầu mối chỉ nhận được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ m2 đất từ phía doanh nghiệp thực hiện dự án. Trong khi đó, đất của gia đình tôi thuộc loại đất đô thị loại I”, chị Oanh nói.

Để làm rõ những thắc mắc, kiến nghị của người dân, ngày 29/3/2019, phóng viên đã đến trụ sở UBND phường Sở Dầu, UBND Q. Hồng Bàng liên hệ công tác, đề nghị cung cấp thông tin dự án, quá trình kiểm kê, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có phản hồi.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này…

Theo Văn Hùng/doanhnhan.vn

 

 

 

Trả lời