Phê duyệt từ năm 1992, đến nay dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa vẫn “đắp chiếu”, hàng nghìn hộ dân cứ vậy cũng “treo” theo dự án.
Khốn khổ vì dự án “treo”
Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa được TP HCM phê duyệt năm 1992. Đến năm 2004, UBND TP giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án đã không thể triển khai như kế hoạch nên bị thu hồi.
Mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (UAE) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
Theo kế hoạch, đây là khu đô thị rộng 426 héc ta với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 – 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Không gian đô thị sẽ được phát triển với hình thức bố cục các khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng dọc các tuyến đường Bình Quới, đường D5, tận dụng tối đa điều kiện môi trường tự nhiên và giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc thù của khu vực quy hoạch, gắn kết với các công trình dịch vụ công cộng xây dựng mới.
Tuy nhiên, dự án rất được kỳ vọng trên một lần nữa khiến người dân vô cùng hụt hẫng. Kể từ khi dự án được thành phố phê duyệt đến tình trạng “đắp chiếu” kéo dài nhiều năm đến cái bắt tay liên doanh giữa hai Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJS có thể xem là chiếc áo mới để thay đổi diện mạo của dự án, thế nhưng, vào đầu năm 2017, người dân khá sốc khi được thông tin Công ty Emaar Properties PJSC bất ngờ tuyên bố tháo chạy, rút khỏi dự án. Điều này khiến cho câu hỏi về tính khả thi của dự án lại tiếp tục được đặt ra.
Theo ghi nhận của PV, dù cách trung tâm Sài Gòn chỉ vài km nhưng cuộc sống của người dân khu bán đảo Thanh Đa như ở miền quê. Suốt hơn 20 năm qua, hàng nghìn hộ dân (hơn 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng) ở bán đảo Thanh Đa phải sống lay lắt trong những ngôi nhà sập xệ. Họ không thể xây mới nhà hay sửa chữa. Nhiều khu đất rộng bị bỏ hoang cho cỏ, cây dại mọc tràn lan, mùa mưa thì đọng nước nhiều nơi. Phần gần bờ sông thì người dân tận dụng trồng lúa, hoa màu, đào ao nuôi cá, đường sá nhỏ và hẹp, xuống cấp trầm trọng.
Bà Vinh (ngụ khu phố 1, phường 28) cho biết, cuộc sống của người dân khu Bình Quới – Thanh Đa vô cùng khổ sở. Nhiều năm nhà cửa dột nát do không được sửa chữa. Cống rãnh thoát nước kém nên rác thải lênh láng khi có triều cường. Đường giao thông trong khu dân cư nhỏ hẹp, bí bức, ôtô không thể đi vào. Nguyện vọng của bà cũng như người dân trong khu phố là quy hoạch Bình Quới – Thanh Đa được thực hiện, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, cuộc sống ổn định, vì có an cư mới lạc nghiệp được.
Bà Vinh than thở, từ khi Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch, người dân không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, xây nhà mới, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chủ quyền. Khổ nhất, không ít lần, bà Vinh phải chứng kiến cảnh người dân cố dựng nhà rồi lại bị phá đi, cũng chỉ bởi “quy hoạch treo”.
Cũng như bà Vinh, ông M (ngụ phường 28) thì cho biết: “Nhà cửa, đường sá đã xuống cấp nhiều năm nay, nhưng không ai dám xây dựng hay sửa chữa vì không được cho phép. Gia đình đất rộng mênh mông mà xin làm nhà cho con cái cũng không được, muốn bán thì cũng không xong. Mang tiếng sống ở Sài Gòn mà không khác nào ở vùng quê chậm phát triển. Nói ở đây chậm phát triển hơn quê cũng không sai đâu, vì nhiều vùng quê bây giờ người ta cũng phát triển lắm, nhà cửa khang trang, đường sá thênh thang. Còn chúng tôi thì chỉ được cái mác, được cái gắn hộ khẩu là người Sài Gòn thôi, còn thực tế thì khốn khó vô cùng”.
TP đang tích cực tháo gỡ
Trước thực trạng người dân và cử tri TP bức xúc về dự án, tại kỳ họp HĐND TP HCM hồi tháng 7/2018, trước ý kiến chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm dự án này, không để kéo dài thêm.
Còn mới đây nhất, tại cuộc họp báo về kinh tế – văn hóa – xã hội tháng 2/2019, người phát ngôn UBND TP HCM – Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan (nay là Phó Chủ tịch TP) cho biết, sắp tới TP HCM tiến hành rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án Bình Quới – Thanh Đa cho phù hợp thực tế. Quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp. Mặt khác, TP HCM cũng có chủ trương cấp phép tạm (trên đất được quy hoạch làm đất ở nhưng chưa triển khai thực hiện). Vì vậy, TP sẽ xem xét và điều chỉnh lại ranh quy hoạch, có thể tạo điều kiện để người dân trong vùng tự phát triển, phù hợp với quy hoạch.
Cùng với việc điều chỉnh lại dự án, UBND TP HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán, xây dựng tiêu chí để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định.
Động thái trên nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để bảo đảm tính khả thi, triển khai nhanh dự án.
Chánh Văn phòng UBND TP HCM cũng cho biết, hiện tại đã có 5 nhà đầu quan tâm đến dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Trong đó, đa phần các nhà đầu tư đều có tiềm lực lớn. Các nhà đầu tư đưa ra nhiều chính sách tốt như sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỉ USD, hỗ trợ bồi thường. Ngược lại, nhà đầu tư cũng yêu cầu nếu trúng thầu thì được hưởng một số chính sách ưu đãi; đồng thời đề nghị TP trả lời rõ thời gian thực hiện, giao đất…
Theo Cao Hoành – Bạt Phong/phapluatplus.vn