Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố danh sách 87 công ty/tập đoàn sẽ được nhận trợ cấp để di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược mới của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng sự chủ động và xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn với các yếu tố bất lợi từ bên ngoài.
Trong đợt đầu tiên này, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi tổng cộng 70 tỷ yen (653 triệu USD) để hỗ trợ cho 57 doanh nghiệp di chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản và 30 doanh nghiệp di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Theo tờ Nikkei Asia Review, trong số 30 doanh nghiệp sẽ di chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, hãng chế tạo ổ cứng Hoya sẽ di chuyển sản xuất sang Việt Nam và Lào, tập đoàn công nghiệp cao su Sumitomo Rubber Industries sẽ sản xuất găng tay cao su nitrile ở Malaysia, trong khi công ty hóa chất Shin-Etsu Chemical sẽ di chuyển cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm sang Việt Nam.
Trong số 57 doanh nghiệp sẽ di chuyển sản xuất về Nhật Bản có hãng chế tạo đồ gia dụng Iris Ohyama. Iris Ohyama đang sử dụng vải không dệt và các nguyên liệu khác của các công ty Trung Quốc để sản xuất khẩu trang tại các nhà máy ở thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Với tiền trợ cấp của chính phủ, Iris Ohyama sẽ sản xuất khẩu trang tại nhà máy Kakuda ở tỉnh Miyagi, sử dụng nguyên vật liệu của các nhà cung ứng địa phương.
Các doanh nghiệp cũng nhận trợ cấp đợt này gồm hãng sản xuất các sản phẩm vệ sinh Saraya, một số nhà chế tạo phụ tùng ô tô, máy bay, phân bón, dược phẩm và giấy như Sharp, Shionogi, Terumo và Kaneka.
Trong khi mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi và chiến tranh thương mại tồi tệ hơn, nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và các nước khác đã bàn tới việc giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Quyết định mới đây của Nhật Bản tương tự với chính sách của Đài Loan vào năm 2019. Cho tới nay, chưa có quốc gia nào khác ngoài hai nước này ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích sự thay đổi.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trước đây, và các công ty Nhật Bản có khoản đầu tư lớn vào đó. Sự bùng nổ của đại dịch coronavirus đã làm hỏng các mối quan hệ kinh tế cũng như hình ảnh Trung Quốc tại Nhật Bản.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã cố gắng trong nhiều năm để cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau các cuộc bạo loạn chống Nhật Bản năm 2012, nhưng sự sụp đổ từ đại dịch và tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra trên các đảo và các mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông đã làm suy yếu những nỗ lực đó.
Trong nhiều năm, chính quyền của ông Shinzo Abe đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc từ sau cuộc bạo động năm 2012, tuy nhiên đại dịch và những cuộc tranh chấp tại các hòn đảo và mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông đã làm lung lay những nỗ lực này.
Theo Bích Thảo (t/h)/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhat-ban-chi-hang-tram-trieu-do-de-di-doi-cac-nha-may-khoi-trung-quoc-d14190.html