Phục hồi kinh tế: Triển vọng mong manh

Nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu tích cực đầu tiên, song tiến trình phục hồi tại nhiều nền kinh tế còn chậm. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều trải qua giai đoạn phục hồi kinh tế không như dự báo.

Kịch bản kinh tế chạm đáy, rồi nhanh chóng vượt lên mạnh mẽ theo mô hình chữ V khó có thể thành hiện thực khi bức tranh kinh tế khắp các châu lục vẫn ảm đạm, bởi chịu tác động mạnh từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Dù được dự báo không ảnh hưởng nghiêm trọng như trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên hồi đầu năm, song giới chuyên gia nhận định các biện pháp phong tỏa đang được nhiều nước châu Âu áp đặt trở lại vẫn tác động mạnh tới sự phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh của “lục địa già”.

Theo ông Paolo Gentiloni, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, việc thắt chặt các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh chắc chắn sẽ tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng có một số lý do để tin rằng tác động này sẽ không nặng nề như đợt dịch xảy ra hồi đầu năm.

Mặc dù vậy, ông Gentiloni lưu ý rằng công tác dự báo rất khó có thể chỉ ra diễn tiến khó đoán định của COVID-19, vốn đã lây nhiễm cho hơn 11 triệu người dân châu Âu.

Trong khi đó, ông Klaus Regling, Chủ tịch Cơ chế bình ổn châu Âu (một quỹ cứu trợ tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone), cho rằng tình trạng xuống cấp của hệ thống y tế đang làm gia tăng những rủi ro về một đợt suy thoái kép tại 19 quốc gia Eurozone.

Mặc dù vẫn lạc quan về tình trạng cải thiện kinh tế sau đợt “suy sụp” hồi tháng Ba, song ông Regling cũng thừa nhận rằng những tình huống bất lợi mà mọi người từng lo ngại đang trở thành “trạng thái bình thường mới.”

Nhận định của các quan chức trên được đưa ra sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone thảo luận việc thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ cho EU.

Theo ông Paschal Donohoe, Bộ trưởng Tài chính Ireland, đồng thời là Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), gói kích thích này là một ưu tiên khẩn cấp cho tất cả các nước thành viên bởi nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế trong những năm tới.

Số liệu chính thức được công bố hồi tuần trước cho thấy do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó riêng quý II đã sụt giảm 11,8%, mức sụt giảm chưa từng có.

Trong dự báo mới nhất, Ủy ban châu Âu cho hay nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng 4,2% trong năm sau, giảm so với mức dự báo 6,1% hồi tháng 7.

Các nước châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, có nguy cơ nặng nề hơn làn sóng đầu tiên hồi đầu năm nay.

Hội đồng châu Âu đã thông báo các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/11 để thảo luận về cách ứng phó với COVID-19 và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe công dân và nền kinh tế các quốc gia của khối. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến thứ hai của EU dành riêng cho vấn đề này, sau sự kiện ngày 29/10.

Là một trong những khu vực chứng kiến đà phục hồi kinh tế tích cực trong quý III vừa qua, song châu Á vẫn được cho là đối mặt nhiều khó khăn, khi động lực tăng trưởng của các nền kinh tế không đồng đều. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế châu Á suy giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch vẫn tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, song bật tăng trở lại và đạt mức 6,9% trong năm 2021. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ tăng trưởng khả quan này, sản lượng của toàn khu vực trong năm 2021 vẫn thấp hơn mức dự báo được đưa ra trước đại dịch.

Thị trường lao động “lạc nhịp”

Trong báo cáo mới nhất có tên gọi “COVID-19 và thế giới việc làm”, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo về những tổn thất đối với thị trường lao động thế giới gây ra bởi đại dịch COVID-19.

ILO ước tính tổn thất về giờ làm việc toàn cầu trong quý II/2020 (so với quý IV/2019) đã được điều chỉnh lên mức 17,3%, tương đương 495 triệu việc làm toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần), từ con số ước tính trước đó là 14%, tương đương với 400 triệu việc làm toàn thời gian. Dự báo mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu của quý III/2020 sẽ là 12,1% (tương đương với 345 triệu việc làm toàn thời gian).

Trong bối cảnh đó, tổ chức này cho rằng triển vọng thị trường lao động trong quý IV/2020 sẽ xấu hơn đáng kể. Tổn thất thời giờ làm việc toàn cầu trong quý IV/2020 ước tính lên đến 8,6% (so với cùng kỳ năm 2019), tương đương với 245 triệu việc làm toàn thời gian. Con số này cao hơn so với con số dự báo trước đây của ILO là 4,9% hay 140 triệu việc làm toàn thời gian.

ILO kết luận rằng tổn thất nghiêm trọng về thời giờ làm việc gây nên bởi đại dịch đã dẫn tới mức sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập từ việc làm của người lao động trên toàn thế giới. Ước tính trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, thu nhập người lao động đã giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của ILO cho rằng các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, với tổn thất về thu nhập từ lao động đã lên tới 15,1%, là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là người lao động làm trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thức, bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Đồng quan điểm này, IMF ngày 22/10 đã cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực việc làm tại khu vực Mỹ Latinh, cùng với đó là sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nghèo đói khiến thu nhập bình quân đầu người trên thực tế tại các nước trong khu vực chỉ có thể được hồi phục vào năm 2025.

Theo An Bình/baochinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Quocte/Phuc-hoi-kinh-te-Trien-vong-mong-manh/413213.vgp

Trả lời