Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson để sử dụng khẩn cấp.
Theo đó, trong một thông báo, Giám đốc của FDA Janet Woodcock cho biết việc cấp phép cho loại vaccine này sẽ giúp Mỹ mở rộng thêm lựa chọn về các loại vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer và Moderna hồi tháng 12/2020.
Theo đánh giá của FDA, vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất này có hiệu quả cao trong ngăn ngừa các triệu chứng nặng của bệnh COVID-19, trong đó có cả khả năng chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Johnson&Johnson đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 cung cấp được 20 triệu liều vaccine, và tổng số liều đến cuối tháng 6 là 100 triệu liều.
Sử dụng ống tiêm đặc biệt để tiết kiệm vaccine
Ngày 28/2, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn mới cho các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, yêu cầu các nhân viên y tế tăng tối đa số mũi tiêm trên mỗi lọ vaccine phòng COVID-19 bằng cách sử dụng các ống tiêm hiện đại.
Theo đó, một ngày sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng miễn phí toàn quốc vaccine COVID-19, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết loại ống tiêm đặc biệt sản xuất trong nước có thể giúp tăng thêm từ 1 đến 2 người được tiêm từ mỗi lọ vaccine.
Bước đột phá này là nhờ loại ống tiêm được thiết kế để giảm thiểu lượng vaccine lãng phí bằng cách giảm không gian giữa kim tiêm và piston.
Trước đây, người ta ước tính rằng một lọ vaccine do hãng dược AstraZeneca của Anh sản xuất đủ để cung cấp cho 10 người, trong khi của Pfizer là 6.
Tuy nhiên, khi sử dụng ống tiêm mới, KDCA cho biết một lọ vaccine của AstraZeneca có thể tiêm cho tối đa là 12 người, trong khi một lọ vaccine của Pfizer có thể tiêm cho 7 người.
Australia tiếp nhận 300.000 liều vaccine AstraZeneca
Ngày 28/2, Australia tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca/ Oxford gồm 300.000 liều để chuẩn bị cho việc tăng cường chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết lô vaccine trên sẽ được Cơ quan quản lý sản phẩm điều trị (TGA) kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng từ ngày 8/3 tới.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định việc tiếp nhận lô vaccine trên đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình tiêm chủng ở Australia.
Theo kế hoạch, Australia sẽ tiếp nhận tổng số 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nước ngoài trước khi đưa vào sử dụng gần 50 triệu liều vaccine do chính nước này sản xuất từ cuối tháng 3. Hầu hết người dân “xứ chuột túi” sẽ được tiêm loại vaccine AstraZeneca.
Bắt đầu từ ngày 22/2, quốc gia lớn nhất Đại Tây Dương với 25 triệu dân đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với vaccine Pfizer (Mỹ) cho một số đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên làm việc tại các cơ sở cách ly, người già và người khuyết tật.
Cho đến nay, gần 30.000 người Australia đã được tiêm chủng, trong đó có 8.110 người cao tuổi và người khuyết tật tại 117 cơ sở chăm sóc. Australia dự kiến hoàn thành kế hoạch chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 10 tới.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng
Ngày 28/2, Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong số những người được tiêm vaccine đầu tiên có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, các bộ trưởng nội các, giới chức và các chuyên gia y tế.
Loại vaccine được Thái Lan sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên là vaccine do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vaccine này được dùng cho các đối tượng từ 18 đến 59 tuổi, do đó Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi, không nằm trong nhóm được tiêm lần này.
Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul cho biết Thái Lan hi vọng việc tiêm chủng vaccine giúp bảo vệ người dân cũng như cho phép Thái Lan sớm quay trở lại trạng thái bình thường./.
Từ khóa: Chính phủ , Thủ tướng , vaccine , COVID-19 , dịch bệnh
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Quocte/Vaccine-COVID19-moi-co-kha-nang-chong-lai-SARSCoV2-bien-the/424489.vgp