Nền kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng tích cực

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra ngày 6/12/2023.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế.

Qua đó, đã mở ra những thời cơ, cơ hội thuận lợi mới, để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ được sự dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng, các xu thế phát triển lớn toàn cầu về kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tài chính xanh… Các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và điều hành vĩ mô của Việt Nam.

Song song với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung giải quyết; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Nhiều dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm được khởi công, một số dự án được đưa vào khai thác, đã phát huy hiệu quả. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.

Ngoài ra, công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền, quốc phòng an ninh… tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và làm tốt.

Song khó khăn còn rất lớn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khó khăn còn rất lớn, nền kinh tế vẫn đối diện thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh.

Trong tháng 11, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn đưa ra nhiều dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới, các nước lớn trong quý IV/2023 và năm 2024, cho thấy tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo có chuyển biến, nhưng tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.

Điều này tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội… ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, đời sống người dân.

“Nhìn chung, bối cảnh, tình hình thời gian tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế – xã hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị với Chính phủ tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2024… đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, các nghị quyết, bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2024.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư… đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, bám sát tình hình, diễn biến cung-cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, chủ động phương án điều tiết phù hợp, triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm chăm lo, hỗ trợ tốt cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động, người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong dịp giáp hạt đầu năm và Tết Nguyên đán.

Phối hợp đồng bộ, liên ngành, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, kiềm chế sự gia tăng tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ma túy, pháo nổ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép… bảo đảm an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao có thời hạn hoàn thành trong năm 2023 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội từ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024, xu hướng phục hồi của các thị trường xuất khẩu.

Theo: Huy Nguyễn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/nen-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-ngay-cang-tich-cuc.html

Trả lời