Thủ tướng: Xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ngoài nước

Phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân.
                 Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận phần thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vào hôm nay (4/9).

Nhắc lại một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì. Chúng ta cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất có thể nhưng không được chủ quan với dịch bệnh.

Một điểm sáng nữa là xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua. Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019, là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.

Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan. Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải đã được giải quyết. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư với quyết tâm chỉ đạo như vừa qua, tiếp tục điều chuyển vốn từ nơi không thể tiêu tiền sang nơi có thể.

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, các cân đối vĩ mô ổn định. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ.

Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng ta đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA. Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch bệnh.

Nông nghiệp, nông thôn ổn định, người nghèo, đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 với 96,3% số thí sinh dự thi và hiện nay còn khoảng 3,7% thí sinh đang dự thi đợt 2), đạt kết quả, chưa có trở ngại lớn nào xảy ra.

Tuy vậy, một số rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế cần phải đặt ra. Đó là những rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề này, Thủ tướng cho biết.

Những thách thức cần đặt ra là dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng có thể bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng do nhiều nguồn lây, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, lơ là, không được để dịch bệnh quay trở lại. Kiên quyết khoanh vùng, dập dịch thần tốc, thực hiện chiến dịch “5K” như quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra tại phiên họp.

Tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ. “Chúng ta ghi nhận kết quả nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, xúc tiến tốt hơn để FDI vào Việt Nam tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 có tăng lên so với tháng trước nhưng lũy kế 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Số việc làm tạo mới giảm 16,5%. Nhưng điều đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dư địa đẩy mạnh xuất khẩu còn rất lớn

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.

Càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. Cần phải xác định chiến lược áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, “nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng”. “Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”. Phải đẩy mạnh phương pháp và phương thức phát triển, nhất là tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời đại như chuyển đổi số quốc gia. Phải chú ý sâu hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, đó tiếp tục là trụ đỡ, van đệm trước các cú sốc.

Phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng nói. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, những chủ trương, biện pháp, những nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ cần được đẩy mạnh. Cũng cần lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng.

Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng nêu rõ, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án, Nghị định về quy định fintech, cho vay ngân hàng, xác thực điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money). Bộ Công an cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

Về tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này.

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.

Báo cáo tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố khác đến nay đã được khống chế. Thời gian qua, có phát hiện một ca nhiễm ở Hải Dương, bệnh nhân 72 tuổi, “chúng tôi đã tiến hành rà soát lại tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm và tất cả các trường hợp này đều âm tính”. Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, chúng ta sẽ tăng cường khả năng xét nghiệm, phát triển thêm sinh phẩm chẩn đoán kháng nguyên nhanh. Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch “5K” là Khẩu trang, Khử khuẩn (sát khuẩn tay), Khoảng cách, Không tập trung đông người, Khai báo y tế trên quy mô toàn quốc, tạo thói quen cho người dân trong trạng thái bình thường mới.

Theo Đức Tuân/baochinhphu.vn

Từ khóa: Chính phủ , Thủ tướng , họp thường kỳ , thị trường , đầu tư ,doanh nghiệp , dịch bệnh , COVID-19 , kinh tế

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-Xay-dung-nen-kinh-te-tu-chu-giam-phu-thuoc-vao-chuoi-cung-ung-ngoai-nuoc/406788.vgp

Trả lời