Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/10, Bộ Tài chính sẽ công khai định kỳ số liệu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Ảnh minh họa |
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa ký công văn gửi các bộ, cơ quan Trung ương chủ quản chương trình, dự án và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ về việc công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Nhằm đảm bảo việc công khai số liệu được chính xác, Cục đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, xác nhận số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ tính đến ngày 15/9/2019. Trong trường hợp có sai số khác cần có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để xác minh, điều chỉnh trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố.
Quá thời hạn quy định, nếu các bộ, ngành, địa phương không có ý kiến đề nghị điều chỉnh bằng văn bản kèm theo căn cứ xác thực được Bộ Tài chính chấp nhận, thì các số liệu đã công bố này được coi là căn cứ chính thức để tiếp tục công khai tiến độ giải ngân trong thời gian từ ngày 16/9/2019 đến hết năm 2019.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu 3 bộ, ngành chủ quản và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số giải ngân thấp nhất phải có giải trình lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân. Trong đó, số liệu giải ngân này là số liệu được Bộ Tài chính tổng hợp từ các đề nghị giải ngân của các chương trình, dự án đã được Bộ Tài chính chấp thuận gửi nhà tài trợ. Riêng phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn chi tiêu từ tài khoản đặc biệt.
Đồng thời, bắt đầu từ ngày 15/10, Bộ sẽ thực hiện chế độ báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chi tiết đến từng bộ, ngành chủ quản và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số liệu các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Cơ sở để lập các báo cáo nhanh này căn cứ số liệu giải ngân các bộ, ngành, địa phương gửi về tại thời điểm ngày 15/9, cộng số phát sinh giải ngân đã được Bộ Tài chính chấp thuận ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ trong kỳ. Riêng đối với phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn đã chi tiêu từ tài khoản đặc biệt.
Các báo cáo giải ngân 15 ngày cuối tháng sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân 9 tháng năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp.
Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
(theo tapchitaichinh.vn)