Hoàn thiện chính sách thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Chiều ngày 18/2/2022, Bộ Tài chính và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, trong năm 2020-2021, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính mà trực tiếp là cơ quan thuế, hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, cũng như chính sách giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Các giải pháp này đã góp phần vào việc đảm bảo dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó đã hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì việc làm cho người lao động.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết đã đề ra giải pháp giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; tiếp tục nghiên cứu rà soát các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Cải cách thể chế, thủ tục hành chính thuế, hải quan

Bên cạnh đó, cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cũng như thủ tục kê khai nộp thuế, hoàn thuế cho người nộp thuế. Đến nay, kê khai thuế đạt 99,97% số doanh nghiệp; hệ thống hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc với 100% quy trình thủ tục và 100% doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị.

Trước đó, tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực từ 1/7/2020. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn cũng như ban hành theo thẩm quyền các Thông tư. Luật Quản lý thuế và các văn bản liên quan là cơ sở để cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thực hiện ngày càng tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó sẽ mở rộng ra cả nước từ 1/7/2022. Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án hải quan thông minh, nhằm cải cách mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực hải quan.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Bộ Tài chính sẽ rà soát các luật thuế, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về thuế giá trị gia tăng, Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu theo Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN) mới. “Bộ Tài chính tin tưởng rằng, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách thuế, công tác quản lý thuế, hải quan cũng sẽ được hoàn thiện. Qua Hội nghị đối thoại này, chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tiếp tục củng cố cơ chế chính sách cũng như thực thi nghiệp vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn tới” – Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc

Riêng về doanh nghiệp Hàn quốc, Thứ trưởng cho biết, theo thống kê, đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án với tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện  nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc để tăng cường hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước và đem lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho rằng, trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp ngày càng được toàn cầu hóa, các quy định và thủ tục hành chính của mỗi nước luôn là vấn đề được các doanh nghiệp đã đầu tư hoặc đang xem xét đầu tư vào quốc gia đó ưu tiên cân nhắc hàng đầu. Đặc biệt, những nội dung về thuế luôn có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Do đó, Hội nghị Đối thoại thuế và hải quan có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Theo Đại sứ Park Noh Wan, để có thể cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác. Đặc biệt, năm 2021, hai nước đã sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hàn Quốc, từ đó góp phần cải thiện môi trường hành chính thuế. Năm 2022, hai nước đang tiếp tục nỗ lực sửa đổi Hiệp định hợp tác hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan nhằm tạo ra một môi trường thông quan nhanh chóng và thuận lợi hơn.

“Nhân dịp năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, năm 2022, tôi hy vọng rằng hai nước sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác này và cải thiện điều kiện chính sách để các doanh nghiệp có thể ứng phó linh hoạt hơn với sự biến đổi môi trường” – Đại sứ Park Noh Wan bày tỏ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã chia sẻ thông tin về các chính sách thuế, hải quan. Hội nghị đã dành thời gian thảo luận, đối thoại, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã giải đáp cụ thể, thấu đáo các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế, hải quan. Hội nghị cũng là dịp để cơ quan quản lý nghiên cứu hoàn thiện cơ chế và thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Dẫn nguồn theo: https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/hoan-thien-chinh-sach-thue-hai-quan-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-345565.html

Trả lời