Nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán trong thời kỳ kỷ nguyên số (Advanced ethics accounting career in digital era)

Tóm tắt:

Thế giới đã bước sang kỷ nguyên số với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bước sang kỷ nguyên số,  lượng cung lao động trong lĩnh vực kế toán Việt Nam vẫn giữ ở mức cao nhưng thực tế cho thấy sản phẩm kế toán đang ẩn chứa tình trạng gian lận diễn ra ngày càng đáng báo động. Chính vì vậy, đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố không thể thiếu với người làm kế toán. Thông qua bài viết, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao đạo đức nghề kế toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thời kỳ kỷ nguyên số.
Từ khóa: Đạo đức nghề nghiệp; Kế toán; Gian lận; Kiểm soát gian lận; Kỷ nguyên số

Abstracts:.
The world has entered the digital era with the Industrial Revolution 4.0 changing the way of operation in many fields and industries. Entering the digital era, the quantity of labor supply in the Vietnamese accounting field remains high, but the fact that  accounting products are hiding fraud is increasingly alarming. Therefore, professional ethics is an indispensable factor for accountants. Through the article, the author gives a number of suggestions to improve accounting profession ethics in the context of international economic integration and in line with the digital era.

Keywords: Professional ethics; Accountant; Cheat; Fraud control; Digital

1.Đặt vấn đề

Xu hướng hội nhập kế toán – kiểm toán quốc tế được thể hiện rõ nét qua việc hình thành, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kế toán chung được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Hệ thống tiêu chuẩn này ra đời do sự phát triển nhanh chóng và khách quan của thị trường tài chính quốc tế và các hoạt động thương mại đã vượt ra ngoài biên giới các quốc gia. Những chuẩn mực kế toán quốc tế, như: IAS/IFRS sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất về tính toán giá trị hợp lý trong kế toán, từ đó xóa bỏ rào cản ngăn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tạo nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời kỳ toàn cầu hóa cho các quốc gia.

Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy đã sẵn sàng hội nhập kinh tế, nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện. Thực tế cho thấy, đội ngũ người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam không chỉ ít về số lượng, mà còn yếu về chất lượng. Rõ ràng, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì xu hướng đào tạo kế toán – kiểm toán cũng phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp với xu hướng hội nhập hiện nay.

Trong những đợt thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực kế toán cho biết tình trạng sai sót và gian lận ở các doanh nghiệp xảy ra rất nhiều. Các trường hợp này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm sai lệch báo cáo tài chính, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế qua các hình thức làm giả tài liệu sổ sách kế toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh không đúng sự thật, cố ý áp dụng sai chính sách, chuẩn mực, chế độ kế toán,… Những sai sót xảy ra có thể do yếu tố chủ quan, khách quan của người làm kế toán, còn gian lận là hành vi có chủ đích từ trước. Vì vậy trong quá trình xử lý kế toán cần có biện pháp để có thể hạn chế và ngăn ngừa.

Chính vì lẽ đó, yêu cầu nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán được đặt ra trong kỷ nguyên số hiện nay là rất cần thiết đối với các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề kế toán, chủ doanh nghiệp và bản thân người làm nghề kế toán.

  1. Đạo đức nghề nghiệp kế toán trong kỷ nguyên số

2.1. Sự cần thiết của việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán trong kỷ nguyên số

Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, kỷ nguyên với dữ liệu lớn, mạng internet, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…. Kỷ nguyên số có thể phá vỡ mọi rào cản về địa lý, vượt xa khả năng của con người, thậm trí có những công đoạn không cần sự có mặt của con người. Mọi công việc ghi nhận, xử lý hay kiểm tra thủ công của kế toán đều có thể thay thế bởi trí tuệ nhân tạo thì kế toán và cả hệ thống thông tin tài chính thay đổi mạnh theo chiều hướng số hóa và phải đối mặt với những nguy cơ mới, khó khăn mới. Chính vì thế, lĩnh vực kế toán cũng đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với nhân lực kế toán, đó là tính chuyên nghiệp cao; tâm huyết và trách nhiệm với nghề; có kỹ năng, sáng tạo trong xử lý nghiệp vụ; trung thực, khách quan và bản lĩnh nghề nghiệp.

Thứ hai, tình trạng gian lận trong các doanh nghiệp còn tồn tại dưới hình thức Biển thủ tài sản và gian lận báo cáo tài chính.

-Về gian lận Biển thủ tài sản: bao gồm việc biển thủ một khoản tiền thu được, đánh cắp các tài sản vật chất, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp hoặc có sử dụng tài sản của doanh nghiệp với mục đích riêng. Biển thủ tài sản có thể do các nhân viên hay những người lãnh đạo trong doanh nghiệp thực hiện. Biển thủ tài sản thường có xu hướng phát sinh nhiều hơn trong các doanh nghiệp nhỏ bởi những doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường không có các quy trình kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa và phát hiện. Cách thức để các cá nhân biển thủ tài sản đa dạng, có thể chia thành 3 loại: Biển thủ tiền, biển thủ các tài sản không phải là tiền, và gian lận trong việc chi trả [2]

– Về lập báo cáo tài chính gian lận: Được hiểu là hành vi khai khống thông tin, cố ý bỏ sót không ghi chép các nghiệp vụ phát sinh hay công bố không đầy đủ thông tin tài chính làm cho thông tin tài chính công bố sai lệch, gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin, đặc biệt là các nhà đầu tư và chủ nợ. Gian lận có thể được thực hiện thông qua việc làm giả mạo, thay đổi hoặc dùng những thủ thuật ghi chép để thay đổi bản chất thông tin, số liệu các nghiệp vụ, các khoản mục về doanh thu, tài sản, công nợ, cố ý bỏ sót hoặc không trình bày những thông tin quan trọng trên báo cáo tài chính, cố ý không áp dụng những nguyên tắc kế toán, các chính sách, các thủ tục được sử dụng để đo lường, ghi nhận, báo cáo và công bố những sự kiện và các giao dịch kinh tế… [2].

Xuất phát từ những lý do trên, “nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam trong kỷ nguyên số” là hết sức cần thiết và có ý nghĩa cả về phương diện khoa học lẫn thực tiễn.

2.2. Văn bản pháp lý của Việt Nam quy định về đạo đức đối với nghề kế toán

Đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu hết sức quan trọng đối với nghề kế toán. Do đó, để tạo cơ sở cho việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam thì Chính phủ, Bộ, Ban ngành cần ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có các văn bản pháp lý quy định về về đạo đức nghề nghiệp của kế toán – kiểm toán viên gồm: Quyết định số 87/2005/QĐ – BTC ngày 1/12/2005 quy định đầy đủ và toàn diện về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, sau đó được điều chỉnh, sửa đổi bằng Thông tư số 70/2015/TT – BTC ngày 08/05/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, Thông tư này yêu cầu kế toán, kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp bao gồm các nguyên tắc sau:

Thứ nhất là “tính chính trực”: Nguyên tắc này yêu cầu mỗi kế toán viên thẳng thắn, trung thực trong các mối quan hệ về công việc.

Thứ hai là: “tính khách quan”; yêu cầu kế toán viên đưa ra những xét đoán dựa trên đúng bản chất công việc.

Thứ ba là: “năng lực chuyên môn và tính thận trọng”, yêu cầu kế toán viên làm việc dựa trên kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, luật pháp hiện hành, mọi hành vi ứng xử cần thận trọng, phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp được thiết lập. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi kế toán viên phải thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ bản thân trước mọi xu thế.

Thứ tư là: “tính bảo mật”, yêu cầu kế toán viên phải đảm bảo tính bảo mật thông tin của khách hàng, tổ chức nơi mình làm việc trừ khi có sự đồng ý của khách hàng, tổ chức hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm là: “tư cách nghề nghiệp”, yêu cầu kế toán viên phải hành xử tuân thủ quy định của pháp luật, tránh các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp [3].
Các nguyên tắc đạo đức cơ bản này càng trở nên quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế và trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố bên trong của mỗi con người cần được tôi luyện và trưởng thành. Vì vậy, có thể nói đây là một nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số hóa hiện nay. Đồng thời góp phần giúp cho thông tin tài chính được minh bạch, đảm bảo cho lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề kế toán.

2.3. Thực trạng đạo đức nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam

Trong quá trình công nghệ ngày càng phát triển, có rất nhiều phần mềm kế toán, các giao dịch điện tử được áp dụng dẫn đến những gian lận trong quá trình xử lý dữ liệu phần mềm và các giao dịch điện tử bị hack, xóa hoặc bị thay đổi thông tin so với ban đầu.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý kết quả công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cho thấy, số liệu báo cáo tài chính của các công ty đại chúng trước và sau khi được kiểm toán chênh lệch nhau nhiều.

Kết quả nghiên cứu về hành vi gian lận do công ty PWC (2018) thực hiện trên phạm vi toàn cầu cho thấy, có 49% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã từng xảy ra gian lận; có 52% gian lận xảy ra bởi cán bộ nhân viên của doanh nghiệp; 24% các gian lận do nhà quản lý thực hiện.

Theo kết quả nghiên cứu của Lê Thị Thu Hà năm 2019 cho thấy, tần suất các câu trả lời, đối với 4 loại hình biển thủ tài sản, có từ 25% chọn câu trả lời là phổ biến, rất phổ biến hoặc hoàn toàn phổ biến. Trong 4 loại hình biển thủ tài sản thì hành vi thông đồng với bên thứ 3 được đánh giá có mức độ phổ biến cao nhất (31% phổ biến, rất phổ biến hoặc hoàn toàn phổ biến). Đối với gian lận báo cáo tài chính, có từ 28% chọn phổ biến, rất phổ biến hoặc hoàn toàn phổ biến. Trong đó gian lận điều hoà lợi nhuận có mức độ phổ biến cao nhất (34% chọn phổ biến, rất phổ biến hoặc hoàn toàn phổ biến) (xem bảng 1).

Bảng 1. Thống kê tần suất phản hồi mức độ phổ biến của gian lận

Các loại hình gian lận Phổ
biến (%)
Rất phổ biến (%) Hoàn toàn phổ biến (%) Tổng
1.Biển thủ tài sản
-Biển thủ tiền 22 2 1 25
-Biển thủ hàng tồn kho 25 3 1 28
-Biển thủ tài sản khác 22 4 0 26
-Biển thủ tài sản thông qua thông đồng với bên thứ 3 26 4 1 31
2.Gian lận BCTC
-Khai tăng lợi  nhuận/tài sản 24 3 1 28
-Khai giảm lợi nhuận/tài sản 22 5 2 29
-Điều hoà lợi nhuận 27 6 1 34

Nguồn:[4]

Trong số những gian lận như biển thủ tài sản bằng tiền, không bằng tiền, gian lận tiền lương, tham nhũng thì có phần nhiều trong số những gian lận đó là có trách nhiệm thuộc về kế toán của đơn vị. Những gian lận trên báo cáo tài chính cũng có mối liên hệ mật thiết với kế toán. Tuy nhiên, không phải toàn bộ các gian lận đều được phát hiện, ngoài những gian lận được phát hiện còn không ít những gian lận chưa được phát hiện. Để giúp cho tình hình tài chính của đơn vị được trung thực, đảm bảo quyền lợi của số đông người sử dụng thông tin tài chính thì đạo đức nghề nghiệp của kế toán trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, việc giúp các kế toán viên trong tương lai biết được những nguy cơ đó là điều trở nên vô cùng cần thiết trong quá trình làm việc.

Ứng phó với những hình thức gian lận cũng cần có biện pháp kiểm soát ngăn ngừa nhằm tránh thất thoát tài chính của đơn vị. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn ngừa và phát hiện hành vi gian lận. Một số biện pháp đã được áp dụng phổ biến nhất bao gồm việc thiết lập một số qui định về hành vi đạo đức, sàng lọc nhân sự trước khi quyết định tuyển dụng, xem xét và cải thiện kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, một số biện pháp chưa được thực hiện nhiều như thiết lập đường dây nóng báo cáo hành vi gian lận và đặc biệt là việc tập trung vào những rủi ro gian lận của nhà quản lý. Điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát gian lận của doanh nghiệp chưa chú trọng vào hành vi gian lận do nhà quản lý thực hiện, trong khi đây là loại hình gian lận có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng (Bảng 2).

Bảng 2. Các biện pháp kiểm soát gian lận được áp dụng

Biện pháp kiểm soát Tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng (%)
1.Thiết lập một số quy định về hành vi đạo đức của DN 71
2 Tiến hành sàng lọc trước khi tuyển dụng 70
3 Xem xét và cải thiện kiểm soát nội bộ 64
4 Nhận diện rủi ro gian lận 52
5 Tiến hành đánh giá rủi ro gian lận. 52
6 Chính sách luân chuyển cán bộ. 52
7 Kiểm tra tình trạng bên thứ ba hoặc đối tác kinh doanh. 51
8 Doanh nghiệp của anh/chị có hệ thống báo cáo nặc danh những nghi ngờ gian lận 48
9 Người bên ngoài doanh nghiệp có thể thông báo qua đường dây nóng về các gian lận. 45
10 Tập trung vào những rủi ro gian lận của quản lý cấp cao. 44

Nguồn:[4]

Gian lận trong kế toán được thực hiện ở nhiều đối tượng, có thể từ nhân viên cho đến cấp quản lý. Việc gian lận xảy ra trong các doanh nghiệp gây thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội, cho quốc gia. Một khi cá nhân có thể khống chế được hệ thống kiểm soát nội bộ, họ có thể thực hiện các hành vi gian lận. Chẳng hạn như cá nhân đó giữ một vị trí đáng tin cậy và biết  rất rõ quy trình cụ thể của hệ thống kiểm soát nội bộ. Khi thực hiện một số cá nhân có thể đưa ra lý do cho việc thực hiện hành vi của mình để che giấu sự không minh bạch trong quá trình làm việc. Một số cá nhân có thái độ, tính cách, đạo đức cho phép họ thực hiện một hành vi gian lận một cách cố ý. Tuy nhiên, ngay cả khi không có các điều kiện như vậy thì những cá nhân không cố ý gian lận cũng có thể thực hiện hành vi không trung thực khi ở trong môi trường cạnh tranh và chịu áp lực về công việc.

Theo Hiệp hội kế toán công chứng Anh đã tiến hành cuộc điều tra trên phạm vi 180 quốc gia, với 7.291 người được điều tra, 101 văn phòng công ty hoạt động trong lĩnh vực kế toán cho thấy có tới trên 90% cá nhân, tổ chức được điều tra cho rằng đạo đức nghề nghiệp quan trọng và rất quan trọng [1]. Do đó, nếu như các nhà cung ứng nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số mà chưa quan tâm tới vấn đề này thì thực sự là điều thiếu sót, chưa thực sự định hướng giúp người làm nghề kế toán ứng phó với xu thế mới.Tình trạng gian lận xảy ra ở mọi loại hình tổ chức, trong đó gian lận xảy ra ở phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, công ty có quy mô nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên và sự kiểm soát không chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho gian lận xuất hiện.

3. Một số đề xuất nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán trong thời kỳ kỷ nguyên số

  1. 3.1. Đối với nhà nước
                Nhà nước tăng cường biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức. Biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức trong kế toán không phải chỉ dừng lại ở khuyến khích động viên, xử phạt… Trong thời đại công nghệ, các hành vi sai phạm càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Để Nhà nước cần phải có biện pháp tác động từ bên trong và cả bên ngoài.
    – Các biện pháp tác động từ bên trong là các biện pháp làm khơi dậy ý thức đạo đức bản thân của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nói chung, lĩnh vực kế toán nói riêng. Để làm được điều này, yêu cầu người làm nghề kế toán tham gia chương trình thực hành đạo đức nghề nghiệp như một chương trình bắt buộc để được cấp bằng hoặc cấp chứng chỉ hành nghề.
    – Các biện pháp tác động từ bên ngoài là các biện pháp tác động biểu dương cá nhân tổ chức đạt tiêu chí minh bạch, trung thực và không gây sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra kiểm tra. Bên cạnh đó là các biện pháp xử phạt các cá nhân tổ chức gây sai phạm, sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra kiểm tra.

Ngoài ra, Nhà nước tăng cường tuyên tuyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực nghề nghiệp đối với nghề kế toán.

3.2. Đối với các trường đào tạo nghề kế toán

Hiện nay, ngành kế toán là ngành đào tạo chủ đạo của các trường có khối kinh tế ở Việt Nam. Do đó, trọng trách phát triển các kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp kế toán trong thời đại công nghiệp 4.0 đầu tiên thuộc về các trường đào tạo. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện cả công tác tuyển sinh và chương trình đào tạo, Cụ thể:
– Có kế hoạch tuyển sinh số lượng sinh viên phù hợp với nhu cầu, đảm bảo chất lượng đầu vào cao. Đặc thù của nghề nghiệp kế toán là giỏi về chuyên môn nhưng phải trung thực, vô tư khách quan. Do đó, trong chương trình đào tạo phải xác định sinh viên là trung tâm với phương pháp chủ động trong lĩnh hội kiến thức, luôn thực hiện rèn luyện kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Xây dựng lực lượng giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng và phẩm chất tốt đẹp vì họ là yếu tố chủ đạo của quá trình đào tạo nghề kế toán.

– Tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các sân chơi bổ ích có liên quan đến nghề kế toán như Câu lạc bộ kế toán, Hội thi về kế toán. Liên kết với các hội tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động trong bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực kế toán. Thiết kế các chương trình thực hành kỹ năng đạo đức nghề nghiệp như một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo, thậm trí có thể là môn học đạo đức nghề kế toán nhằm giới thiệu đạo đức nghề nghiệp mà sinh viên cần tuân thủ, định hướng cho các em cách vận dụng những nguyên tắc này vào giải quyết tình huống thực tế phát sinh.
– Xây dựng tình huống về các nguy cơ xảy ra khi sinh viên bước vào nghề, cho sinh viên tự đưa ra ý kiến bản thân và tự giải quyết tình huống. Đối với các tình huống thực tế và các nguy cơ xảy ra, chúng ta có thể kết hợp với các tình huống vi phạm đạo đức nghề nghiệp để giúp cho sinh viên nhận ra nguy cơ nào mình đang gặp phải, nguyên tắc đạo đức vi phạm. Từ đó, các em sinh viên tự cân nhắc hậu quả của từng hướng giải quyết và định hướng tìm biện pháp thích hợp. Trên thực tế cho thấy, các nguy cơ luôn xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Do vậy, việc ngăn chặn tất cả các nguy cơ xảy ra có thể là quá sức đối với các em sinh viên, kế cả các kế toán viên. Tuy nhiên, các trường đại học cần trang bị cho các em các biện pháp phòng ngừa bằng chính hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị. Điều này giúp cho các em sinh viên sau này có thể bảo vệ chính bản thân mình, hạn chế tối đa tình huống dẫn tới khả năng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

3.3. Đối với các đơn vị sử dụng nhân lực kế toán

Trên thực tế có khá nhiều nhà tuyển dụng là các chuyên gia về tài chính kế toán cho rằng các bạn sinh viên trẻ yếu về đạo đức nghề nghiệp trong khi các chuyên gia tuyển dụng lại cực kỳ quan tâm đến điều này. Khi tuyển dụng một người có đạo đức nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoàn toàn yên tâm trong quá trình làm việc, họ có thể giới thiệu đi học, giao cho những công việc có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn… Thậm trí các nhà tuyển dụng tuyển dụng được những sinh viên giỏi mới tốt nghiệp vào làm việc, nhưng khi va chạm với thị trường, dẫn tới lạm dụng thông tin, tham gia bán thông tin dẫn tới bị sa thải, đuổi việc, hạn chế cơ hội nghề nghiệp của chính bản thân trong khi năng lực không thiếu. Dó đó, chúng ta cần hình thành tư duy làm việc theo pháp luật khi dấn thân vào nghề. Đây là cơ sở hình thành tính trung thực, tính khách quan trong đạo đức nghề nghiệp của sinh viên khi theo học ngành kế toán.

Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu mỗi kế toán viên nắm chắc về chuyên môn nghề nghiệp, am hiểu về công việc, nhanh nhạy trong xử lý công việc chuyên môn. Những nhận thức ban đầu về đạo đức nghề nghiệp này giúp người làm nghề kế toán tự ý thức nâng cao trình độ bản thân đồng thời giúp họ cần có trách nhiệm thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên môn mới để không bị lạc hậu về kiến thức, nắm bắt kịp thời các chế độ kế toán mới, những chuẩn mực chuyên môn theo quy định hiện hành…. Điều này sẽ giúp chính họ có thể giải quyết những xung đột về chuyên môn gặp phải trong thực tế, mở rộng cơ hội việc làm cho chính mình.

Từ nhận thức trên, các đơn vị sử dụng nhân lực kế toán cần có sự đồng hành với quá trình đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân lực kế toán, Cụ thể:

– Đồng hành với các trường đào tạo sinh viên nghề kế toán trong việc tham gia đóng  góp ý kiến vào xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giao lưu trong các chương trình với sinh viên, tham gia dạy một số nội dung thực tế tại các trường, tạo điều kiện cho sinh viên được thăm quan thực tế hoặc thực tập cuối khóa tại đơn vị, từ đó giúp sinh viên tiếp cận sớm với thực tế và môi trường chuyên nghiệp.
– Xây dựng chế độ, phương pháp quản lý tốt và môi trường chuyên nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán.

– Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ phòng ngừa các nguy cơ từ việc tổn hại đạo đức nghề nghiệp kế toán.

– Tổ chức đào tạo và đào tạo lại, thường xuyên liên kết với các trường, tổ chức đào tạo lại cho kế toán viên thông qua các khóa học ngắn hạn, khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, tạo điều kiện để kế toán viên hiểu biết về các chuẩn mực kế toán, các chế độ kế toán mới, các quy định về thuế hiện hành… sẽ giúp cho kế toán viên lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, khách quan.

3.4. Đối với bản thân người làm nghề kế toán

Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu bản thân người làm nghề kế toán phải hiểu rõ chuẩn mực nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn. Điều này yêu cầu bản thân người làm nghề kế toán phải có trình độ học vấn, được đào tạo chuyên môn và có kinh nghiệm làm việc, thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhằm không bị lạc hậu về chuyên môn, xử lý công việc theo chế độ kế toán, chuẩn mực chuyên môn quy định hiện hành. Thường xuyên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp về việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với hàng loạt những mối đe dọa mang tính công nghệ đối với kế toán, người làm kế toán cần phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất của một cán bộ nghề nghiệp, rèn luyện cho mình tính trực quan, độc lập, vô tư, công bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm. Luôn có thái độ cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế. Việc làm này góp phần giúp hình thành kỹ năng hành nghề cho mình, cũng như tố chất để trở thành một người hành nghề chuyên nghiệp.
            4. Kết luận

Các biện pháp tác động từ bên ngoài là các biện pháp tác động biểu dương cá nhân tổ chức đạt tiêu chí minh bạch, trung thực và không gây sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra kiểm tra. Bên cạnh đó là các biện pháp xử phạt các cá nhân tổ chức gây sai phạm, sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Đạo đức nghề nghiệp là những chỉ dẫn để người làm nghề kế toán luôn duy trì được một thái độ nghề nghiệp đúng đắn nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín của nghề nghiệp. Trách nhiệm của người hành nghề không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp, của khách hàng, mà còn phải nắm được và tuân thủ các quy định của chuẩn mực đạo đức vì trách nhiệm của bản thân và lợi ích của nhà nước. Khi kết hợp các biện pháp, với sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với công tác thực tế sẽ góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho những người làm nghề kế toán trong thời kỳ hội nhập toàn cầu và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ACFE (2016), Report to the nation occupation fraud and abuse.
http://www.acfe.com/rttn2016.aspx
2. Bộ tài chính (2012), chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính, ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC
3. Bộ Tài Chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, ban hành ngày 08/05/2015.
4. Lê Thị Thu Hà (2019), Gian lận và kiểm soát gian lận trong các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Quản trị ngân hàng & doanh nghiệp

ThS. Nguyễn Thị Mai Hương

 Khoa Kế toán – Kiểm toán – Học viện Ngân hàng

Dẫn theo nguồn: https://rised.org.vn/nang-cao-dao-duc-nghe-nghiep-ke-toan-trong-thoi-ky-ky-nguyen-so-advanced-ethics-accounting-career-in-digital-era/

Trả lời