Tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ điều tiết hợp lý thu nhập, hạn chế chênh lệch giàu nghèo

Đề xuất của Bộ Tài chính về nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh được kỳ vọng sẽ góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo…

Mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ làm giảm mức điều tiết thuế TNCN phải nộp đối với tất cả đối tượng nộp thuế, đảm bảo phù hợp với tình hình KT-XH và sự biến động về chỉ số giá tiêu dùng.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tính từ thời điểm ngày 01/07/2013 đến hết tháng 12/2019 đã vượt 20%. Do đó, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo quy định hiện hành, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng (0,8% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ không phải nộp thuế. Người nộp thuế có thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) theo quy định hiện hành nộp thuế TNCN là 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ nộp thuế TNCN là 230.000 đồng/tháng (1,2% thu nhập), sẽ giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành.

Đối với những người nộp thuế ở bậc cao, ví dụ người có thu nhập 70 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc), hiện đang nộp thuế ở mức 11.370.000 đồng/tháng (16,2% thu nhập), khi chuyển sang thực hiện mức giảm trừ gia cảnh mới, số thuế phải nộp là 10.530.000 đồng (15% thu nhập), giảm khoảng 7% số thuế phải nộp so với hiện hành.

Như vậy, khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Góp phần thực hiện công bằng xã hội

Nhận định về mức tăng khoản giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Bộ Tài chính, ThS. Phạm Thị Bích Thảo – Giảng viên Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng theo quy định tại Luật thuế TNCN đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 26/2012/QH13 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013) khi đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh như trên.

Với phương án đề xuất của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ làm giảm mức điều tiết thuế TNCN phải nộp đối với tất cả đối tượng nộp thuế, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và sự biến động về chỉ số giá tiêu dùng. Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN cũng sẽ đảm bảo mục tiêu của thuế TNCN là góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo nhờ mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng đồng nghĩa với việc giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, đời sống người dân sẽ nâng lên, mức độ động viên từ thuế TNCN cũng sẽ tăng dần, qua đó góp phần cơ cấu lại và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước để giải quyết tốt hơn các mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước.” – bà Thảo nhận định.

Được biết, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được thực hiện kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Theo Dự thảo, trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, phương án điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10.300 tỷ đồng/năm.

Theo T. Huyền/tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/tang-muc-giam-tru-gia-canh-se-dieu-tiet-hop-ly-thu-nhap-han-che-chenh-lech-giau-ngheo-319603.html

Trả lời