Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong quý I/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp.

Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn.

Từ những tồn tại, hạn chế, thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa sức mạnh doanh nghiệp trong nước, ngoài nước với sức mạnh của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%

Bên cạnh các nội dung trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần “Năm quyết tâm” gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài tinh thần trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ…; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu…

Đồng thời, các bộ, ngành bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Nêu các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế.

Cùng với đó, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế (phấn đấu giảm nợ đọng còn 3-4%).

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024…

Theo: Minh Hà/tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/kien-quyet-khong-lui-buoc-truoc-kho-khan-phan-dau-dat-va-vuot-chi-tieu-tang-truong.html

Trả lời