Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: giải pháp nào hiệu quả cho Việt Nam?

Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) bằng việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu (15%) được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.

Đến nay, giải pháp này đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên OECD, trong đó có Việt Nam. Dự kiến từ 1/1/2024, nhiều quốc gia thành viên OECD sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều động thái nhằm đánh giá tác động, nghiên cứu, tham vấn các phương án khả thi khi áp dụng vào thực tế vẫn đảm bảo quyền đánh thuế của quốc gia, cũng như quyền lợi của nhà đầu tư. Để rộng đường dư luận, từ số này Tạp chí Thuế Nhà nước thực hiện chuyền đề: “Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: giải pháp nào hiệu quả cho Việt Nam?” với các bài viết nhằm làm rõ quá trình chuẩn bị và các giải pháp áp dụng hiệu quả chính sách quan trọng này tại

Bài 1: Quản lý thuế các giao dịch liên kết và những vấn đề đặt ra

Toàn cầu hóa cùng việc dỡ bỏ dần các rào cản thương mại, sự phát triển của công nghệ thông tin và internet đã thúc đẩy thương mại số phát triển, thu hút được lượng lớn nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, quốc gia nhận đầu tư cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó có tình trạng các công ty đa quốc gia lợi dụng những kẽ hở của chính sách thuế để tránh thuế, giảm thuế, gây thất thu NSNN. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, bài viết tập trung đánh giá thực trạng giao dịch liên kết trong quản lý thuế ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất để công tác quản lý thuế ngày một hiệu quả hơn.

Quy định về quản lý thuế các giao dịch liên kết tại Việt Nam

Qua khảo sát cho thấy, các hành vi tránh thuế của các công ty đa quốc gia diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển – khu vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nơi có hoạt động phần lớn của các công ty đa quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xây dựng Diễn đàn hợp tác thực hiện chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), cho phép các quốc gia và vùng lãnh thổ phối hợp với thành viên OECD/G20 trong việc xây dựng các tiêu chuẩn đảm bảo tính nhất quán của các quy tắc thuế quốc tế, đảm bảo môi trường thuế minh bạch hơn và giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế.

Việt Nam xác định tham gia BEPS là nội dung quan trọng giúp bảo vệ nguồn thu, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hạn chế thất thu thuế, đặc biệt là thuế TNDN, vì đây là nguồn thu quan trọng trong tổng thu NSNN. Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thể chế và công tác quản lý thuế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, năm 2016 Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 1286/QĐ-TCT ngày 11/7/2016 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai BEPS, nhằm tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách trong nước theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, các quy định về chuyển nhượng và hiệp định thuế, hợp tác hành chính thuế theo hiệp định thế hệ mới của OECD và Liên Hợp quốc.

Sau các bước chuẩn bị cần thiết, đến tháng 7/2017, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS. Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên (không chính thức của OECD), đặc biệt là việc triển khai thực thi 4 hành động trong gói tiêu chuẩn tối thiểu. Đến năm 2022, tại trụ sở OECD ở Paris, Việt Nam đã ký Công ước đa phương về chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (MLI- Hành động 15 của BEPS), chính thức trở thành quốc gia thứ 99 tham gia MLI.

Về chính sách thuế đối với giao dịch liên kết, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế. Theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP, giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết. Người nộp thuế khi xác định có giao dịch liên kết phải có trách nhiệm kê khai, xác định doanh thu và chi phí của giao dịch liên kết với mục đích không làm giảm nghĩa vụ thuế TNDN phải nộp.

Những vướng mắc còn tồn tại

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc:

Thứ nhất, về xác định các bên có mối quan hệ liên kết. Theo quy định, “Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay” thì được xác định các bên có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đề cập đến các chỉ số dựa trên báo cáo tài chính cuối năm (số dư cuối năm), mà chưa phản ánh chính xác thực tế hoạt động vay nợ, trả nợ và biến động vốn của DN diễn ra trong năm.

Thứ hai, chi phí lãi vay. Vì mục tiêu của hành động 4 “hạn chế xói mòn cơ sở thuế thông qua khấu trừ lãi suất và các thanh toán tài chính” là hướng đến hạn chế tình trạng vay nợ giữa các DN có mối quan hệ liên kết để lợi dụng chênh lệch thuế suất thuế TNDN, nên quy định khống chế chi phí lãi vay 30% áp dụng cho tất cả các khoản vay của DN khi chỉ cần một trong các khoản vay này (có thể là khoản vay chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng các khoản vay) được xác định là vay từ DN có quan hệ liên kết. Quy định này chưa tạo tính công bằng, chưa phù hợp với quy luật thị trường và mang tính “cào bằng”. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, phần chi phí lãi vay vượt quá 30% sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Tuy nhiên, quy định cho chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo phần chi phí lãi vay chưa được trừ này lại chưa đề cập rõ là liệu DN kinh doanh có kết quả kinh doanh bị lỗ trong kỳ tính thuế có được áp dụng cách thức chuyển chi phí lãi vay này không?

Thứ ba, về đối tượng bị khống chế chi phí lãi vay. Quy định khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 30% đang áp dụng tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc tỷ lệ cố định, tức là áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả các loại hình DN, bao gồm cả những DN thuộc tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn trong nước và các DN độc lập, bất kể đòn bẩy tài chính (tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu) của DN cao hay thấp. Thực tế kinh doanh ở Việt Nam có nhiều ngành nghề có tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu rất khác nhau, nhưng với quy định trên vẫn phải áp dụng tỷ lệ thống nhất là không vượt quá 30%, điều này gây khó khăn nhất định đối những ngành nghề có tính chất đặc thù phải sử dụng đòn bẩy cao, như dịch vụ, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng (Sách trắng DN Việt Nam năm 2021 công bố: năm 2019, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ với 2,6 lần vốn chủ sở hữu; khu vực công nghiệp và xây dựng 1,5 lần; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,8 lần).

Đề xuất tháo gỡ

Nghị định 132/2020/NĐ-CP ra đời đã khắc phục được một số tồn tại, vướng mắc của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, như nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; thay thế chi phí lãi vay thành chi phí lãi vay thuần (tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) trong phần tính toán khống chế chi phí lãi tính vào chi phí được trừ. Tuy nhiên, để Nghị định 132/2020/NĐ-CP sát với thực tiễn, khắc phục được những vướng mắc nêu trên, cần nghiên cứu điều chỉnh quy định này theo hướng:

Khi xác định các bên có mối giao dịch liên kết ở nhóm đối tượng “…điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay” nên dựa trên số liệu bình quân trong năm, nhằm phản ánh chính xác, trung thực tình hình biến động khoản vay và vốn chủ sở hữu.

Trong phân tách khoản vay của DN khi tiến hành quyết toán thuế TNDN chỉ nên khống chế chi phí lãi vay đối với những khoản vay từ DN có quan hệ liên kết. Đối với khoản vay khác, không phải vay từ DN có quan hệ liên kết sẽ được tính hết vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Thuế TNDN.

Phần chi phí lãi vay vượt tỷ lệ quy định trong kỳ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định, nên được mở rộng áp dụng cho cả DN có kết quả kinh doanh trong kỳ bị lỗ, nhằm đảm bảo tính công bằng, thống nhất giữa các DN.

Quy định chi phí lãi vay không vượt quá tỷ lệ cố định được thực hiện trong thời gian qua (từ Nghị định 20/2017/NĐ-CP đến nghị định 132/2020/NĐ-CP) đã đảm bảo yếu tố thống nhất, dễ thực hiện, dễ quản lý và giám sát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét kết hợp quy định khống chế chi phí lãi vay theo tỷ lệ cố định với khống chế chi phí lãi vay theo tỷ lệ nhóm, nhằm cho phép DN thuộc nhóm có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao được khấu trừ chi phí lãi vay ròng vượt quá số tiền được phép theo quy tắc tỷ lệ cố định. Vì thực tế khách quan cho thấy, DN trong các lĩnh vực khác nhau có thể được sử dụng đòn bẩy tài chính khác nhau và thậm chí ngay cả trong cùng lĩnh vực, nhưng có thể có những DN có đòn bẩy cao hơn DN khác.

Ngoài ra, Luật Thuế TNDN cần bổ sung điều khoản liên quan đến chi phí lãi vay của DN có quan hệ liên kết nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với văn bản quy định về công ty liên kết (cụ thể hiện nay là Nghị định 132/2020/NĐ-CP), vì hiện tại quy định về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN trong các văn bản hướng dẫn về thuế TNDN chưa có quy định cụ thể về khoản chi phí lãi vay của DN có quan hệ liên kết n

TS Nguyễn Kim Quyến – Đại học Kinh tế TP HCM
ThS Nguyễn Lê Hà Thanh Na – Đại học Tài chính Marketing

Dẫn theo nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/dien-dan/33f1689c-7980-444a-ac90-37d4bbad3ba1

Trả lời