Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 được tổ chức chiều 3/8. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam khi có thêm nhiều ca bệnh được phát hiện tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần (CPI trong tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, CPI bình quân tính chung 7 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ); mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Thứ hai, tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD.
Thứ ba, sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%.
Thứ tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại, tăng 4,3% so với cùng kỳ, nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%.
Thứ năm, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.
Các thành viên Chính phủ đánh giá, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, chúng ta đã tạo nên sức mạnh to lớn và những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.
Thứ sáu, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ bảy, công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Đời sống người dân được bảo đảm; số hộ thiếu đói giảm mạnh 74,9%. Đặc biệt, Chính phủ đã chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hoạt động nhân dịp 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước.
Về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, các thành viên Chính phủ nhận định, ở trong nước, do tác động của dịch COVID-19 trở lại từ cuối tháng 7, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là hàng không, du lịch; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng…
Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn
Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.Kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra; đồng thời, phải tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Về một số nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ lưu ý:
Một là, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát; không được có bất cứ hạn chế nào; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế.
Quang cảnh buổi họp báo.
Hai là, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Phải nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
Ba là, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ, triển khai có kết quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 đã đề ra tại Chỉ thị số 11, Nghị định số 41, Nghị quyết số 42 và số 84…
Bốn là, về giáo dục và đào tạo, tập trung chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nghiêm túc, trung thực, an toàn, tiết kiệm, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, đặc biệt là phải có phương án cụ thể cho các địa phương đang có dịch COVID-19, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong nhà trường, giữa học sinh, sinh viên. Thủ tướng quyết định việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hình thức thi phù hợp, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Năm là, về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, chủ động theo dõi động thái của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam, kịp thời có phương án xử lý nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.
Sáu là, về thông tin và truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh và các biện pháp ứng phó của cơ quan chức năng, nhất là đối với những diễn biến mới của dịch, củng cố tinh thần đoàn kết, nâng cao cảnh giác nhưng cũng không được gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội.
Theo Bùi Dương/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/chinh-phu-kien-dinh-muc-tieu-kep-day-lui-dich-benh-va-phat-trien-kinh-te-326260.html