Chính phủ: Kiên định “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 được tổ chức chiều 3/8. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam khi có thêm nhiều ca bệnh được phát hiện tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần (CPI trong tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, CPI bình quân tính chung 7 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ); mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Thứ hai, tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD.


Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn (người ngồi hàng đầu từ phải sang) tham dự buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Thứ ba, sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%.

Thứ tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại, tăng 4,3% so với cùng kỳ, nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%.

Thứ năm, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.

Trả lời