Chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI đã đến hồi cảnh báo

Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.

            Tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng cho rằng, những năm qua khu vực đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào phát triển thị trường quốc tế và hội nhập, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đáng kể vào thu ngân sách nhà nước so với tổng thu.

“Song, nhìn nhận khách quan thực trạng hiện nay, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI còn bộc lộ những hạn chế cần được xem xét, đánh giá cụ thể để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành được tốt hơn”, ông Hùng nói.

Đại biểu dẫn chứng, qua nghiên cứu số liệu Thư viện Quốc hội cung cấp nhận thấy trong thời gian vừa qua vấn đề chuyển giá, trốn thuế có diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng chưa thuyên giảm.

Kết quả tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI và có phát sinh liên kết, trong năm 2017 ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 546 doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn và phạt 2.020 tỷ đồng, giảm lỗ trên 9.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ 74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.046 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu trên 650 tỷ đồng, giảm lỗ 7.392 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 3.825 tỷ đồng.

Năm 2018 tiến hành thanh tra, kiểm tra 526 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt trên 1.541 tỷ đồng, giảm lỗ 7.035 tỷ, giảm khấu trừ 24 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.626 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 633 tỷ đồng và giảm lỗ 5.918 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.388 tỷ đồng.

Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 đã thanh, kiểm tra 647 doanh nghiệp truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.475 tỷ đồng, giảm lỗ 7.685 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.000 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại thị trường, giá thị trường đã truy thu trên 793 tỷ đồng, giảm lỗ 4.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 7.793 tỷ đồng.

       Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) kiến nghị các giải pháp chống chuyển giá, trốn thuế.

Đối với Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua cũng đã kiến nghị tăng thu ngân sách 1.180 tỷ đồng, riêng tăng thu thuế thu nhập đối với doanh nghiệp FDI là 657 tỷ đồng. Như vậy chỉ hơn 3 năm qua, kiểm toán ngành thuế đã huy động nguồn lực tích cực triển khai, song cũng trừ thanh, kiểm tra được khoảng 10% tổng số doanh nghiệp FDI nhưng cũng đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 6.036 tỷ đồng, giảm lỗ trên 23.722 tỷ đồng, giảm khấu trừ 188 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 22.675 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 2.078 tỷ đồng và giảm lỗ 17.451 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 19.000 tỷ đồng.

Qua con số thống kê nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng siết chặt triển khai, thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xây dựng quy trình hướng dẫn chống chuyển giá để thống nhất áp dụng và cần có quy định quản lý chặt chẽ đối với công chức và cơ quan liên quan để tránh việc chuyển giá, trốn thuế.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ đầu vào và được sử dụng trong quá trình đầu tư dự án. Tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro. Xây dựng bộ máy đủ mạnh, đủ năng lực và cơ chế kiểm tra liên ngành chuyên ngành để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này đối với khối doanh nghiệp FDI.

Đại biểu quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc, kiểm toán trực tiếp việc chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý thu thuế và các doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI. Đồng thời, đánh giá các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thu hút của nhà nước ta đối với các doanh nghiệp FDI trong thời gian vừa qua.

“Kết quả của Kiểm toán nhà nước sẽ nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp FDI và sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia. Từ đó có cơ sở điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vừa tăng sức cạnh tranh, thu hút và sử dụng vốn FDI, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của các bên nhà nước, doanh nghiệp và người lao động”, đại biểu Hùng khẳng định.

Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã đến hồi cảnh báo. Tình trạng chuyển nhượng vốn góp với giá trị cao hoặc kê khai giá trị đầu vào cao dẫn đến lỗ và không phải đóng thuế. Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hay hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật, đại biểu đề nghị công khai kết quả phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế để tạo áp lực xã hội đối với các doanh nghiệp có hành vi này. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý mạnh hơn để răn đe khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm cần xử lý ngay, chuyển đến cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, từng bước chặn đứng tình trạng này.

Cũng liên quan tới vấn đề chuyển giá, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho biết, tại các kỳ họp từ thứ 7 đến thứ 9, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đó là Nghị định số 20 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ tới các doanh nghiệp của Việt Nam. Thực tế chưa tạo ra biện pháp hiệu quả để thực thi kế hoạch hành động của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) về chống chuyển giá và chuyển lợi nhuận, còn gọi là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty Holding, công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

“Tháng 6/2020 Nghị định số 68 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và vẫn tiếp tục kiến nghị về dài hạn. Cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp”, đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.

Đồng thời, theo ông Tùng, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

Theo T.Phương/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chuyen-gia-tron-thue-cua-doanh-nghiep-fdi-da-den-hoi-canh-bao-d16413.html

Trả lời