Theo số liệu Tổng cục Hải quan cập nhật, tính đến 15/11/2020, đã có 202 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 3,44 triệu hồ sơ của hơn 42,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), chế một cửa ASEAN (ASW) là những công cụ hữu hiệu đối với các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thương mại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính, tiến hành các giao dịch thương mại thông qua phương thức điện tử.
Việc triển khai NSW thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện kết nối các quốc gia thành viên, bảo đảm giao lưu hàng hóa trong khu vực.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan cập nhật, tính đến ngày 15/11/2020, đã có 202 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên NSW, với trên 3,44 triệu hồ sơ của hơn 42,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Từ ngày 01/12/2020, có thêm 5 thủ tục hành chính của Bộ Y tế được kết nối và thực hiện thí điểm qua NSW.
Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, đến hết năm 2020 dự kiến các bộ, ngành triển khai trên 260 thủ tục thông qua NSW.
Để thực hiện kế hoạch trên, hiện Tổng cục Hải quan – Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc kết nối thêm các thủ tục mới.
Bên cạnh đó, về triển khai ASW, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin thông qua ASW.
Đến ngày 15/11/2020, tổng số chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 228.813 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 303.412 C/O.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, 2 chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong năm 2020.
Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, hiện Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand (đã ký thỏa thuận hợp tác với New Zealand).
Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của Đề án là cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án gồm 7 nội dung cải cách. Trong đó, cải cách đầu tiên là giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Theo số liệu ước tính, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra).
Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so mô hình hiện tại trong một năm là hơn 2,4 triệu ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).
Song song với đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế ASW và NSW để bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 4; thiết lập cơ chế và đẩy nhanh chia sẻ dữ liệu điện tử nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cơ chế NSW theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục; tiếp tục ban hành danh mục hàng hóa kèm mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với những mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành.
Đồng thời, ngành Hải quan cũng sẽ bố trí đội ngũ nhân lực phù hợp để phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong quá trình kết nối và vận hành thủ tục điện tử; kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Theo Việt Dũng/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/tiep-tuc-tao-nhung-buoc-dot-pha-trong-thuc-hien-co-che-mot-cua-quoc-gia-330317.html