Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Vụ AVG có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, AVG là vụ án điển hình, nhiều bị cáo từng giữ vị trí cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng; trước đây Việt Nam chưa bao giờ xử được tội nhận hối lộ mà thường là tội thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị của Chính phủ ngày 30/12.

Ngày 30/12, phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, thời gian qua nhiều người lo lắng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ sụt giảm hoặc rơi vào im lặng.

Tuy nhiên, mới đây dù giáp Tết, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử; một số vụ mới bổ sung vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo ông, AVG là vụ án điển hình, nhiều bị cáo từng giữ vị trí cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng; trước đây Việt Nam chưa bao giờ xử được tội nhận hối lộ mà thường là tội thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; cũng chưa bao giờ Nhà nước thu hồi được tài sản lớn như vụ AVG, lên tới 8.500 tỷ đồng; về tội hối lộ thì có bị cáo đã thừa nhận số tiền 3 triệu USD…

“Đây là vụ án có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh”, ông nhấn mạnh và thông tin thêm, trong một số vụ án gồm cả vụ AVG, lúc đầu các bị cáo thường cãi, cho là xuyên tạc đấu đá nội bộ, sau đó đều tâm phục khẩu phục, thậm chí cảm ơn, “cho đi tù mà còn cảm ơn”.

Tổng bí thư cũng cho hay, “nhiều vụ đang làm tiếp” theo đúng quy định, và “làm rất nhân văn theo tinh thần của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị”. Bên cạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% (mục tiêu đề ra chỉ 6,6 đến 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới; nâng quy mô GDP lên hơn 266 tỷ USD.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.800 USD; lạm phát được kiểm soát dưới 3%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra; dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 10 tỷ đô la. Xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2018, trong khi xuất khẩu của nhiều nước sụt giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm. “Có lẽ chính vì vậy mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng đạt kết quả rõ nét. Trong đó năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới còn khoảng 4% (trước đó hơn 10%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt trên 90%… Đoàn thể thao của Việt Nam tại SEA Games 30 đoạt 228 huy chương, gồm 98 huy chương vàng. Hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đều giành huy chương vàng.

Ông cũng cho biết, tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước tiếp tục tăng cường, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, giúp củng cố hoà bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích chiến lược của đất nước. Hai sự kiện điển hình là việc Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối và đăng cai tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ – Triều.

Thời gian tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển; tránh tư tưởng làm việc cầm chừng, phòng thủ, giữ an toàn trong một bộ phận công chức.

“Tôi nói nhiều lần rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng đó thì đứng sang một bên cho người khác làm”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, “vừa qua phòng, chống tham nhũng như vậy, kinh tế phát triển đi lên chứ có tụt xuống đâu. Ai nhụt ý chí chẳng qua là viện cớ”. Tuy nhiên, Việt Nam không đấu tranh chống tiêu cực một cách cực đoan, “không tính đến nhân tình thế thái, không tạo động lực phát triển”.

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc, nhất là người đứng đầu; tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội như “hoàng hôn nhiệm kỳ”, vận động tranh thủ phiếu bầu, kích động chia rẽ nội bộ…

“Công tác nhân sự phải đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, đặc biệt coi trọng chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý; người được bầu vào cấp ủy phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch…”, ông nói.

Cũng theo Tổng bí thư, đối với cán bộ, bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp. Đúng vai tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ. Thuộc bài là nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết.

Ông cũng yêu cầu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế như xem xét quyết định danh mục đầu tư công, cho ý kiến về các báo cáo khả thi, chọn nhà thầu xây dựng dự án trọng điểm quốc gia…

Với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và chính quyền các cấp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo, cần chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả tiềm lực hoạt động của bộ máy, cán bộ, đổi mới phương thức và lề lối làm việc chứ không đơn giản chỉ là cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện tốt chương trình kế hoạch công tác, xử lý căn cơ, bài bản, dứt điểm có trọng tâm, các vấn đề kinh tế xã hội nổi cộm, tránh phô trương, hình thức. Làm đúng vai, thuộc bài, ông nhắc lại.

Theo Gia Hưng/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-vu-avg-co-tac-dung-ran-de-canh-tinh-d10389.html

Trả lời