Miền Trung gấp rút ứng phó bão số 8; huy động tổng lực cứu trợ người dân

Các tỉnh miền Trung đang huy động tổng lực mọi lực lượng để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời gấp rút triển khai công tác ứng phó với bão số 8.

Trước đó, ngày 21/10, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, cùng với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho người dân.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tiếp cận, cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 8, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm bốn tại chỗ.

Tại Hà Tĩnh
, sáng nay (22/10), Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã đi kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt tại một số trường mầm non và thăm hỏi, động viên người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Qua trò chuyện với người dân, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bà con đang gánh chịu và mong người dân đoàn kết giúp nhau khắc phục khó khăn, sớm vượt qua những ngày mưa lũ.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng ghi nhận sự hỗ trợ nhanh chóng của các lực lượng quân đội, công an, biên phòng trong giúp đỡ trường học, người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt tại Thạch Hà và cơ sở sấy lúa tại Can Lộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng lưu ý, sau mưa lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh phổ biến như: Sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục phương châm “nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó”, đảm bảo điều kiện an toàn khi học sinh đến trường. Huy động lực lượng, phân công cán bộ xuống ngay các địa bàn để giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Nhằm bảo đảm không để người dân vùng lũ phải đói, rét, tranh thủ điều kiện nước lũ đang xuống, Quảng Bình tiếp tục huy động tổng lực mọi lực lượng để phục vụ cho công tác cứu hộ, nhất là việc đưa người già và trẻ em vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn để chăm sóc sức khỏe. Công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ cũng được thực hiện hết sức khẩn trương để người dân không ai bị đói, rét.

Lãnh đạo tỉnh và các địa phương tiếp tục chia thành nhiều đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, động viên người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn; đồng thời huy động tất cả mọi nguồn lực cứu giúp nhân dân.

UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp mì tôm, sữa, nước uống đóng chai, lương khô… cho các địa phương.

Các địa phương, cùng các lực lượng chức năng tiếp tục huy động, phối hợp với các đoàn cứu trợ đi sâu vào các vùng lũ để cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cấp thiết cho người dân vùng lũ, vùng bị chia cắt, cô lập nhằm đảm bảo không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát.

Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh, mặc dù nước lũ đã xuống nhiều, tuy nhiên, đến tối ngày 21/10, vẫn còn 42.183 ngôi nhà ngập trong nước lũ. Tuy số người chết không tăng thêm nhưng số người bị thương từ 29 người đã tăng lên 44. Tổng số hộ dân đã di dời 32.116 hộ, đã có 16.665 hộ trở về nhà.

Còn tại Quảng Nam, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo các địa phương cùng nhân dân triển khai công tác ứng phó với bão số 8.

 Tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang, các sở ban ngành liên quan tiến hành rà soát các khu dân cư, cơ quan làm việc, trụ sở… để tổ chức di dời người, tài sản và phương tiện ra khỏi nơi nguy hiểm, nhất là ở những khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đồng thời, các địa phương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho những hộ gia đình bị mất nhà cửa, bị ngập sâu, chia cắt dài ngày, kiên quyết không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.

 Cùng với đó, các cấp chính quyền và các lực lượng Công an, Quân đội, đoàn viên, thanh niên… cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, trong đó ưu tiên giúp các hộ dân sửa chữa nhà cửa để ở, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

 Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, chính quyền các cấp đã cắt cử các lực lượng nghiêm cấm người và phương tiện qua lại trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ xảy ra sạt lở đất,…

 Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời thông báo cho các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển hướng di chuyển và vị trí của bão, để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa phương cùng các ngư dân tổ chức sắp xếp, neo đậu chắc chắn các tàu thuyền đã vào bờ và đang neo đậu trong khu neo đậu để trú ẩn an toàn, nhằm tránh va đập, hư hỏng do ảnh hưởng của gió bão; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

 Để kịp thời đối phó với những tình huống bất thường do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, các ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, phòng chống bão.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ

Ngày 22/10, phát biểu trong cuộc họp tại Hà Nội về các biện pháp ứng phó với cơn bão số 8, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 29 /CĐ-TWPCTT ngày 19/10 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Công điện số 30/CĐ-TW ngày 20/10 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn) và các địa phương thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền.

“Đối với các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm đề nghị các lực lượng chức năng có biện pháp thông tin, kêu gọi chủ tàu và phương tiện tránh trú, di chuyển vào vị trí an toàn. Bộ Tư lệnh Bộ đôi Biên phòng và Tổng cục Thuỷ sản cần cung cấp danh sách các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai”, Phó Chánh Văn phòng Vũ Xuân Thành nhấn mạnh.

Bão số 8 có tăng cấp nhưng khả năng suy yếu

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, sáng 22/10, bão số 8 mạnh cấp 10, giật cấp 13, bão có sự tăng cấp nhanh nhưng có khả năng suy yếu khi vào gần bờ sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.            

Ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh: Bão số 8 vẫn là cơn bão phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật  diễn biến của bão, tuy bão số 8 sẽ không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua (bão số 6, số 7) nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Đây là gió hoàn lưu sau bão và hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc.

Từ ngày 22-23/10, nhiều khu vực giảm mưa hoặc hầu như không mưa, một số khu vực có nắng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng mưa do hoàn lưu sau bão số 8 trong 3-4 ngày tới (từ ngày 24-26/10) tại khu vực miền Trung.

“Hiện tại, ngoài xa ở phía Đông Philippines đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia  đang theo dõi chặt chẽ và sẽ thông tin khi có dấu hiệu hình thành áp thấp nhiệt đới và đi vào Biển Đông”- ông Lâm lưu ý.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, tính đến 6 giờ ngày 22/10, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.299  lao động biết về diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa có 19 phương tiện với 187 lao động.

Thông tin từ đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện nay một số vùng bị ngập nặng ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bị mất liên lạc. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công điện số 10 ngày 21/10, chỉ đạo các trạm viễn thông lân cận tăng công suất phát sóng để phủ sóng đối với các khu vực khu vực mất liên lạc nhằm đảm bảo vấn đề liên lạc, thông tin.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tăng cường lực lượng đến các khu vực giao thông xung yếu. Các khu vực ngập sâu sẽ chờ nước rút để tiến hành khắc phục hậu quả, đảm bảo thông tuyến.

Đại diện Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 22/10, Ủy ban sẽ hỗ trợ 59 tấn lương khô, 200 máy phát điện và 200 xuồng máy cho các tỉnh miền Trung.  

Sáng 21/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tiếp nhận hàng hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) hơn 30 tấn hàng, trong đó có 1.000 bộ sửa chữa nhà cửa và 1.300 bộ nhà bếp để chuyển cho  tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị.

Cùng ngày, Quân khu 4 đã hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt 13 tấn lương khô (Huế tiếp nhận 4,5 tấn; Quảng Trị – 2 tấn; Quảng Bình – 3 tấn; Hà Tĩnh – 3 tấn…); 1 tấn gạo; 41 xuồng HT 67; 270 áo phao; 3.500 áo mưa; 5.500 túi đựng đồ; 15 nhà bạt gia đình; 1.800 khẩu trang. Quân khu 4 cũng huy động nhiều lực lượng, phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn tại khu vực miền Trung./.

Theo BT/baochinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Mien-Trung-gap-rut-ung-pho-bao-so-8-huy-dong-tong-luc-cuu-tro-nguoi-dan/411583.vgp

Trả lời