Chậm thu phí tự động, đừng để chính sách thành con tin của doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động.

Chậm thu phí tự động không dừng, đừng để chính sách thành con tin của doanh nghiệp.

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra, vì vậy Bộ Giao thông vận tải cần có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án thu phí tự động giai đoạn 1 để sớm đưa dự án vào hoạt động đồng bộ.

Phê bình nghiêm khắc Bộ GTVT

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, việc triển khai hệ thống thu phí tự động hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra.

Các dự án thu phí tự động giai đoạn 1 (Dự án BOO1) và dự án thu phí tự động giai đoạn 2 (Dự án BOO2) còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xử lý, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai toàn hệ thống thu phí tự động, tạo dư luận xấu trong nhân dân; phương án triển khai thu phí các dự án BOT thuộc địa phương quản lý cũng chưa được xây dựng và triển khai trên thực tế.

Chính vì vậy, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua (bao gồm Dự án BOO1 và Dự án BOO2) cũng như phương án triển khai thu phí không dừng các dự án BOT thuộc địa phương quản lý.

Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; khẩn trương chỉ đạo đưa các thiết bị đã lắp đặt vào vận hành, không để tổn thất, lãng phí đầu tư.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020 về toàn bộ việc triển khai hệ thống thu phí tự động trên toàn quốc; phương án tổng thể triển khai thu phí tự động không dừng với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để triển khai đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động.

Ngoài ra, cần có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án BOO1 để sớm đưa dự án vào hoạt động đồng bộ; đồng thời, làm việc với liên danh nhà đầu tư dự án BOO2, thống nhất với Bộ Quốc phòng, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đối với việc thay đổi tỷ lệ tham gia góp vốn của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ, ách tắc như thời gian qua.

Đáng chú ý, Thường trực Chính phủ thống nhất quan điểm để đảm bảo hiệu quả dự án BOO2, Viettel cần thiết nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ trong doanh nghiệp dự án. Về tỉ lệ nắm giữ, Bộ Quốc Phòng chịu trách nhiệm chỉ đạo Viettel và quyết định theo thẩm quyền việc đàm phán tỷ lệ nắm giữ với các đối tác, đảm bảo khả thi, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân Đội giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với việc chuyển các trạm thu phí của các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống thu phí tự động.

Chậm nhiều năm, vì sao Bộ GTVT lại dễ dãi?

Trước đó, Bộ GTVT cho biết dự án ETC được chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 có 44 trạm, giai đoạn 2 gồm 33 trạm). Trong đó, giai đoạn 2 gặp khó vì Liên danh nhà đầu tư (Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội) chưa hoàn thiện thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định. Do vậy, dự án ETC giai đoạn 2 có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng (lắp đặt ETC ở tất cả các trạm trong năm 2019).

Với những khó khăn trên, Bộ GTVT xin gia hạn thực hiện ETC tại các trạm thu phí giai đoạn 2 và các trạm thu phí tại giai đoạn 1 thuộc các tuyến cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020.

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến –Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, việc hàng loạt các doanh nghiệp BOT đường cao tốc dọa trả lại dự án vì không thực hiện được các cam kết do cơ quan quản lý đưa ra trong thời gian vừa qua thực sự là một dấu hiệu không lành mạnh.

Trên thế giới không phải thiếu những tiền lệ doanh nghiệp phải bỏ dự án đang khai thác, để cắt lỗ, hoặc bán lại dự án để trả nợ do phá sản. Tuy nhiên, việc “trả lại” các dự án như cách mà các chủ đầu tư BOT đường bộ Việt Nam là sự chẳng giống ai, khi mà lý do chỉ là vì sức ép phải thực hiện các cam kết minh bạch.

“Khi bạn đầu tư một dự án mà không đủ khả năng duy trì, bạn cần bán lại cho người có khả năng, tất nhiên là trên cơ sở thuận mua vừa bán, và đương nhiên là nếu bạn cần bán thì sẽ phải chịu lỗ”, nhà báo Phạm Trung Tuyến nói.

Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, các nhà đầu tư BOT đường bộ ở Việt Nam thì không muốn thế, họ có một cách khác, vi diệu hơn. Đó là xin “trả lại” tức là đòi lại tiền đầu tư. Đó là một đòi hỏi vô lý, đương nhiên là không thể chấp nhận. Nhưng, thay vì căn cứ vào hợp đồng để xử lý, Bộ Giao thông vận tải lại đứng ra xin lùi thời hạn thực hiện cam kết cho các doanh nghiệp.

Việc nhân nhượng cho các doanh nghiệp lùi tiến độ thực hiện các cam kết trong hợp đồng khi họ đòi “trả lại” dự án là một động thái rất khó hiểu của Bộ GTVT.

“Vì với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, có trách nhiệm đảm bảo các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực thi một cách nghiêm túc, sự nhân nhượng của Bộ Giao thông vận tải đã biến chính sách của nhà nước thành con tin của doanh nghiệp, để họ có thể mặc cả vì lợi ích của mình ngay cả khi mà việc mua bán đã có hiệu lực”, nhà báo Phạm Trung Tuyến phân tích.

Câu hỏi đặt ra: Điều gì khiến Bộ GTVT trở nên dễ dãi đến như thế?

Đừng để chính sách thành con tin của doanh nghiệp

Để trả lời câu hỏi trên, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến là đã đến lúc cần thanh tra, kiểm tra các hợp đồng BOT giữa Bộ Giao thông vận tải với các doanh nghiệp. Bởi, sự nhân nhượng, dễ dãi đó có khả năng xuất phát từ sự lỏng lẻo trong các hợp đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể vận dụng để mè nheo khi bất lợi.

Nếu sự lỏng lẻo trong hợp đồng là lý do, trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải khi ký kết các hợp đồng mà không đảm bảo được quyền lợi của nhà nước.

Nếu hợp đồng chặt chẽ, các cam kết cần phải được đảm bảo thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải cần cưỡng chế thực hiện, thậm chí kiện các doanh nghiệp ra tòa vì không thực hiện đúng cam kết.

Nếu Bộ Giao thông vận tải không áp dụng điều này, cần đặt câu hỏi về sự minh bạch về lợi ích trong mối quan hệ giữa Bộ giao thông vận tải và doanh nghiệp.

Chính sách của Nhà nước, khi đã có hiệu lực, tuyệt đối không thể trở thành con tin của doanh nghiệp.

Dẫn Nguồn link :http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/cham-thu-phi-tu-dong-dung-de-chinh-sach-thanh-con-tin-cua-doanh-nghiep-317844.html

Trả lời