Dừng dự án BOT QL30 qua Đồng Tháp – Tiền Giang vì nhà đầu tư vi phạm các điều khoản trong hợp đồng

Theo quyết định vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành thì dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL30 qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang sẽ không tiếp tục thực…

Một đoạn QL30 qua tỉnh Đồng Tháp

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định dừng thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL30 (đoạn từ Km1+200 – Km34+230) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ xác nhận phần khối lượng, công việc do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện và công tác thanh, quyết toán để hoàn chỉnh các thủ tục chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại các văn bản số 14603/2017, số 881/2018 và số 3234/2018 của Bộ GTVT và các quy định pháp luật có liên quan hoàn tất thủ tục pháp lý về quyết toán khối lượng, giá trị và chấm dứt hợp đồng quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án mở rộng QL30 đoạn An Hữu – TP.Cao Lãnh (Km1+200 – Km34+230 qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp) sau hơn hai năm triển khai vẫn chưa có chuyển biến do phải chuyển đổi nhà đầu tư và việc phê duyệt khung chính sách còn gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là trái Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21/10/2017 đối với các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT.

“Nghị quyết 437 nêu rõ, hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới và có sự lựa chọn cho người dân. Trong khi, QL30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Địa phương đang rất băn khoăn bởi không làm thì tuyến QL30 sẽ trở thành nút thắt, còn làm tiếp lại vướng quy định và phản ứng của người dân”, ông Hùng nói và kiến nghị, Bộ GTVT lựa chọn hình thức đầu tư hợp lý cho dự án.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án BOT QL30 đoạn An Hữu – TP.Cao Lãnh đáng lẽ phải dừng từ lâu vì nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát các trạm BOT còn bất cập để đưa ra giải pháp xử lý. Đặc biệt, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã nêu rõ, chỉ làm đường BOT trên những tuyến song hành, không làm trên đường hiện hữu”, Bộ trưởng nói.

Hồi tháng 3 vừa qua Vụ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng để Sở GTVT Đồng Tháp (chủ đầu tư) triển khai các bước tiếp theo.

Đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, hiện Sở GTVT Đồng Tháp đang triển khai thủ tuc lựa chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công (đã phát hành hồ sơ mời thầu tư vấn ngày 11/3/2019, mở thầu ngày 15/4/2019). Dự kiến, thời gian khởi công xây dựng dự án vào tháng 9/2019.

Về kế hoạch bố trí vốn, theo Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT đang đề nghị giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho dự án là 800 tỷ đồng, trong đó kinh phí GPMB là 276 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch vốn năm 2019 cho dự án là 368 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến, công tác đền bù GPMB sẽ hoàn thành và chi trả 270 tỷ đồng trong tháng 8/2019, sau khi khởi công tháng 9/2019 sẽ ứng hợp đồng xây lắp 10% giá trị hợp đồng.

Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự dài gần 40 km, điểm đầu từ Km47+590 (cuối cầu Phong Mỹ thuộc xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) và kết thúc tại Km86+754 (vuốt nối vào tuyến tránh Hồng Ngự thuộc địa bàn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

Đây là là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 tại Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/7/2018.

 

Theo Nhà đầu tư

Nguồn tcdn.vn

 

 

 

 

 

Trả lời