Room: Thông điệp gỡ vướng tận gốc

Cuộc làm việc của Thứ trưởng Vũ Ðại Thắng cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã thống nhất một điểm quan trọng: Việc sửa 3 Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Chứng khoán) sẽ xử lý dứt điểm vướng mắc lớn nhất, đó là câu chuyện về tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Sẽ xử lý dứt điểm vướng mắc về tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Cách xử lý, theo quan điểm của ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư là, dự thảo Luật sửa đổi Luật Ðầu tư sẽ xây một danh mục mới quy định cụ thể về ngành nghề doanh nghiệp được nhận vốn đầu tư nước ngoài và tỷ lệ cụ thể (tối đa) trong các ngành nghề đó.

Cũng theo ông Hùng, từ trước đến nay, có nhiều ý kiến đã hiểu nhầm rằng, danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Ðầu tư do Quốc hội ban hành là danh mục về điều kiện đầu tư và có hạn chế đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, danh mục này là quy định về điều kiện đầu tư với các nhà đầu tư nói chung, áp dụng với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Với các doanh nghiệp niêm yết/đại chúng trên sàn chứng khoán, do Luật Chứng khoán không quy định cụ thể về danh mục cũng như tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, nên các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên TTCK thường dựa theo Danh mục 243 ngành nghề đã ban hành trên để làm căn cứ đánh giá vốn ngoại được “vào” đến 100% hay chỉ tối đa 49% trong mỗi ngành nghề cụ thể.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngoại trừ các doanh nghiệp đề xuất nới room, tỷ lệ đầu tư tối đa trên TTCK với các doanh nghiệp còn lại vẫn được giữ chung ở mức 49% (riêng ngân hàng là 30%).

Câu chuyện về room trên TTCK nhiều năm nay đã gây lúng túng cho nhiều chủ thể, trong đó có cả nhà quản lý. Trong bối cảnh này, ý tưởng từ phía Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc xây dựng một danh mục mới, định danh ngành nghề được nhận vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ cụ thể, được lãnh đạo UBCK nhiệt tình ủng hộ. Nếu xây dựng được danh mục như vậy thì đây sẽ là bước cải cách lớn nhất của dự án Luật, nhằm minh bạch hóa hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Cũng liên quan đến đầu tư nước ngoài, bài toán thách thức không kém là đưa ra quy chuẩn thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Ðiều 23, Luật Ðầu tư, các công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu trên 51% vốn ngoại phải đáp ứng các điều kiện như nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, đầu tư theo hợp đồng BCC…

Quy định này là điểm quan ngại nhất với các doanh nghiệp niêm yết có mong muốn mở room đến 100%, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý doanh nghiệp khi tỷ lệ đầu tư vốn ngoại vào doanh nghiệp thay đổi hàng giờ, hàng ngày trên TTCK.

Tuy nhiên, sửa như thế nào để ra được một định nghĩa chuẩn mực về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là câu hỏi mở cho những người làm luật, trong mong muốn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, có sự giám sát, quản lý hiệu quả với các chủ thể doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư.

Ðiểm đáng ghi nhận là việc sửa đổi 3 dự án luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Chứng khoán đang được thực hiện trong một không gian mở với sự tham gia tương tác, phản biện chính sách giữa các luật sư, các chuyên gia, doanh nghiệp lớn với các cơ quan làm luật. Thứ trưởng Vũ Ðại Thắng đánh giá, cách làm này sẽ mang được “hơi thở cuộc sống” vào dự luật.

Thực tế, để gỡ vướng tận gốc câu chuyện về room có thể cần 1-2 năm. Trong quá trình này, các cơ quan soạn thảo rất cần những góp ý giá trị từ thị trường, góp sức cho công tác hoàn thiện một nền tảng pháp lý mới có tính thời đại, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

 

Trả lời